Nguyên lý học tập đội nhóm bắt đầu với “đối thoại” (dialogue), hàm ý
các thành viên trong nhóm ngừng giả định và chuyển qua giai đoạn “cùng
nhau suy nghĩ” một cách thực sự. Đối với người Hy Lạp, thuật ngữ dia-
logos nghĩa là sự tự do luân chuyển ý tưởng trong một nhóm người, làm
cho những người đó hiểu thấu được ý nghĩa bên trong mà từng cá nhân
không thể đạt được. Thật thú vị là ý nghĩa của đối thoại đã được bảo tồn
qua nhiều nền văn hóa “cổ xưa”, ví dụ như nền văn hóa của người da đỏ ở
châu Mỹ, nhưng nó đã hoàn toàn biến mất ở những xã hội hiện đại. Ngày
nay, những nguyên tắc và phương pháp đối thoại đã được tái khám phá và
đưa vào trong bối cảnh hiện đại. (Thuật ngữ đối thoại (dialogue) khác với
thuật ngữ “thảo luận (discussion) thông dụng; “thảo luận” có nguồn gốc từ
“va chạm” (percussion) và “rung động” (concussion), có nghĩa đen là đưa ý
tưởng ra một cuộc tranh tài mà ai thắng sẽ được tất cả).
Nguyên lý đối thoại cũng liên quan đến việc học cách nhận ra các
khuôn mẫu tương tác trong đội nhóm có tác động xấu đến việc học tập. Các
khuôn mẫu bảo thủ thường ăn sâu vào cách hoạt động của một đội nhóm.
Nếu không được nhận ra, chúng có thể làm suy yếu việc học tập. Nếu được
nhận ra và xử lý một cách sáng tạo, chúng có thể làm tăng tốc sự học tập.
Học tập đội nhóm là yếu tố sống còn bởi vì các đội nhóm (chứ không
phải các cá nhân) sẽ là những đơn vị học tập nền tảng trong một tổ chức
hiện đại. Hiển nhiên là tổ chức chỉ có thể học tập với điều kiện các đội
nhóm có thể học tập.
Nếu ví Tổ chức học tập như một cuộc cách tân về kỹ thuật, ví dụ như
trong ngành hàng không hay ngành máy tính, thì các thành phần trình bày
trên đây có thể được gọi là các “kỹ thuật”. Nếu là một sự cách tân về hành
vi con người, các thành phần có thể được xem như các nguyên lý
(disciplines). Với từ “nguyên lý”, tôi không có ý nói về một “mệnh lệnh bắt
buộc” hay “công cụ trừng phạt”, mà là một tập hợp lý thuyết và kỹ thuật