Ngày nay nếu ta biết dần dần chỉnh đốn những thói cũ, nghĩ cách làm
lợi cho công, làm lợi cho tư để ta có được phương pháp hay của mình lại có
được cả những phương pháp hay trên thế giới mới sáng tạo ra nữa, hai cái
cùng thực hành song song với nhau không trái ngược nhau. (Những phương
pháp hay này nay chưa kịp trình bày được). Như thế những cái thiên hạ mới
có, ta cũng đồng thời có. Còn những cái ta vốn có thì thiên hạ không có.
Như thế ai còn dám khinh nước mình nữa?
II. Sau đây tôi xin đưa ra một khoản về việc làm sao cho nước nhà
giàu có để cứu giúp lúc khẩn cấp:
Một là nguồn lợi về biển. Về biển không có nguồn lợi nào lớn bằng cá
và muối.
Hai là nguồn lợi về rừng. Rừng không có gì lớn bằng gỗ.
Ba là nguồn lợi về đất đai. Đất đai không có gì lớn bằng tơ gai.
Bốn là nguồn lợi về mỏ. Về mỏ không có gì lớn bằng đồng và thiếc.
Bốn nguồn lợi ấy, ngoài việc tùy theo thổ nghi mà thu thuế ra, còn
phải nghĩ những phương pháp hay như của Tây Âu để thu nhiều sản vật.
Sau đó cho tàu bè nhà nước chở ra bán cho các nước, rồi lại chở về nước
mình những hàng cần dùng mà nước mình không có. Cái lợi bán mua qua
lại như thế thường được gấp ba. Trừ than đá ra, như đồng, thiếc giá ở Bắc
Kỳ một quan nếu đem ra nước ngoài bán có thể được tám quan. Ngoài ra
các thứ tơ, gai, cá, muối cũng thế. Vả lại, Bắc Kỳ nối liền Vân Nam, mà tơ
của Vân Nam là tốt nhất thế giới. Người Pháp sở dĩ muốn từ Bắc Kỳ thông
thương Lương Giang, từ Nam Kỳ thông đường Tiền Giang là vì thế. Việc
ấy trước đây tôi đã nói rõ, nay xin thôi không nói nữa.
Phàm thế nhân càng suy thì thiên hạ không ai là không đuổi theo của
cải mà tranh giành. Người đã giành lợi của ta, lẽ nào ta lại không biết lấy
lợi của người? Đó là luật vay trả tự nhiên không thể tránh được. Hoặc có kẻ
nói rằng bậc vua chúa cứ việc thi hành nhân nghĩa thì tự nhiên có lợi, cần gì
phải khơi cái lòng ham lợi để cạnh tranh với dân! Sao không biết rằng nói
như vậy là rất sai lầm về chính trị? Bậc tiên hiền có nói câu ấy thực, cốt ý
để cứu vãn cái tệ hại thời bấy giờ, vì sợ rằng chỉ biết lo làm lợi mà không
nghĩ đến nhân nghĩa. Những nho gia sau này vì không suy nguyên cái ý ấy