nên bày đặt ra bàn luận những điều thể diện quá cao. Nhưng xem việc làm
của họ thì thường thường lại vì điều lợi hại mà không giữ được tiết tháo
trong sạch. Cho nên người ta đã bảo những kẻ ấy là lời nói đã đê tiện mà
việc làm lại hèn hạ... Ăn trộm thì không gì lớn bằng trộm nước. Thế mà
thành công thì làm vua, bao nhiêu nghĩa sĩ chen chân nơi cửa chư hầu. Cho
nên dùng gặp thời tức là nhân nghĩa, thất thời tức là bạo ngược. Những nhà
nho câu nệ không khéo biến hóa, thường hay uốn lưỡi múa mồm, sau khi
sự thành bại đã rõ như gương chiếu rồi mới bàn luận anh hùng.
Đại phàm sự tình trong thiên hạ mượn tiếng tốt để làm việc xấu là
người ngu; chịu tiếng xấu để làm việc tốt là người khôn. Trong thiên hạ
khéo biết dùng thì được tiếng hay, không khéo dùng thì mang tiếng dở.
Khéo dùng hay không khéo dùng đó là gì? Chính là cái tài lợi. Vẻ tài lợi,
nếu như biết khéo thu nhập thì được nhiều mà không ai trách oán, đã thu
nhập được mà không ai oán trách lại biết khéo sử dụng của thu nhập ấy, đó
là nền tảng của nhân nghĩa. Cho nên tạo vật khi chưa sinh ra người đã sinh
ra muôn vật trong thiên hạ trước để làm nguồn của cải. Như Kinh Dịch nói:
"Có trời đất muôn vật sau mới sinh ra trai gái". Chứng cớ về việc đó rất rõ
ràng.
Thời thượng cổ khi loài người bắt đầu phồn thịnh thì buổi trưa đã có
họp chợ để tiện việc trao đổi những thứ cần dùng, rồi sau việc giáo hóa mới
dần dần hưng thịnh lên. Bởi vì tạo vật yêu người nên thầm dạy những việc
cấp thiết trước, việc chưa cấp thiết thì dạy sau.
Tất cả những cái cần thường dùng thường làm hàng ngày của con
người từ thượng cổ, trung cổ đến tận thế không có cái gì là không do tạo
vật bày ra. Những cái mà tạo vật bày ra đó đều khiến vua nắm quyền để mở
mang sắp đặt. Vua đã thay quyền tạo vật để chăn dân, làm lợi cho dân, thì
những việc lợi ích nên làm trong dân gian lẽ nào vua không tự mình ra
gánh vác lấy, tự mình xướng xuất ra? Thời trung cổ người ta chưa hiểu
được lý ấy nên mới bậy bạ cho như thế là tranh lợi với nhân dân, nên mới
có chuyện xưa kia đã làm đến quan đại phu thì không cho vợ dệt cửi nữa.
Như thế là không biết rằng, có nước mà cứ để mặc cho của công tư bị thiếu
hụt, đến phải yếu nhược không chấn hưng lên được, chính là vì cớ đó. Sao