thế mà tăng, việc làm cũng theo thời mà định liệu. Nếu lợi cho dân thì
không cứ phải theo xưa, nếu thích hợp không cứ phải theo cũ, nếu học điều
khôn thì không cứ là của địch hay của ta. Kinh dịch có nói: Khi con rồng
đang nằm ẩn náu thì không nên dùng nó. Câu ấy có nghĩa là không nên trái
thời.
Những điều trên đây là trình bày đại thế, nói chung là trước thuận theo
sự đặt định của tạo vật, sau ra sức thực hiện để cứu vãn tình thế. Vậy muốn
áp dụng kế này phải gấp rút khai thác các nguồn lợi và phải nhờ người khác
giúp sức. Các mưu kế đó nếu được gấp rút ứng dụng thì dần dần sẽ thấy kết
quả. Nếu chậm ứng dụng thì dù chậm đến đâu cũng không thể nào bỏ qua
không dùng những kế đó, mà có thể chống lại được với địch. Còn như tự
triều đình thấy mưu kế chước thuật gì hay hơn, điều đó tôi không dám biết.
Nhưng theo kiến thức của tôi thu thập được trong thiên hạ, thì nếu bỏ kế đó
sẽ không có kế sách nào khác nữa. Hơn nữa dùng kế này không những
chống được Pháp, mà còn đề phòng được thiên hạ. Nếu cho rằng kế này
quá phiền phức mà chậm, tức không biết rằng muốn thành việc lớn phải
đấu tranh hàng trăm năm, chứ đâu phải một hơi mà được. Trên thế giới có
nhiều nước nhỏ đã thực hiện được, sao ta lại không làm được?
Trong bài có nói về các điều khoản khai thác nguồn lợi dù kẻ địch có
biết cũng không hại gì. Còn như các điều khoản nói về người giúp đỡ, nếu
tiết lộ ra khiến họ tìm cách ngăn chặn ta sẽ khó thực hiện được ý muốn, cho
nên phải hết sức cẩn thận. Còn như sẽ làm theo đường lối nào và sử dụng
ngôn ngữ gì thì tôi sẽ cùng với ông Nguyễn Hoằng xin hết sức làm để giúp
muôn một.
Nay kính bẩm.