như là bị gai đâm, không được thung dung để phát triển điều hay. Kẻ đắc
thời biết có con đường có thể tiến thân, có thể thừa cơ được, cho nên cứ
muốn vượt người ta mà ngoi lên. Như người xưa nói: "Thà làm đứa chăn
trâu đầu đàn, chứ không làm ông quan lớn hạng nhì trong triều". Biết có
chỗ phục thù, bọn người đắc chí, cứ hớn hở mà đi để quyết hả cái hận
"được làm vua thua làm giặc", như người xưa nói: "Không lưu tiếng thơm
muôn thuở, thì để tiếng xấu vạn năm". Lại có một loại người, động một tí là
mượn thánh hiền, hễ có việc bất bình thì vội đòi phế lập. Có cái chí như Y
Doãn cũng nên. Sao không biết rằng người đâu phải ai cũng là Nghiêu
Thuấn cả mà việc gì cũng làm được hay được tất cả. Theo lẽ thường tình
mà nói, thì vua quan đều có phận sự riêng, ai chẳng muốn ở cho yên hưởng
cho lâu. Cho nên ra làm điều gì thì muốn việc cho được, công cho thành, đó
là bản chí của mọi người. Nếu có làm điều gì sai lầm ngoài ý muốn, hoặc
cơ hội lầm lẫn thì lo thay đổi gấp để cho người ta không sửa đổi kịp. Như
thế là giáo dưỡng người rất khó mà vứt bỏ người thì quá dễ. Đường tài đức
xét ra không cùng dẫu muốn đoạt lấy hết tài đức trong thiên hạ cũng không
lấy hết được. Như uống nước sông, tùy lượng chứa của mình rộng hẹp,
nhưng tất cả đều được no đủ, không cần phải đoạt lấy của người để làm dồi
dào cho mình. Hơn nữa, hiền tài là sinh lực của quốc gia, sinh lực con
người ta mà mạnh thì mọi gân cốt trong người đều mạnh. Thế thì tại sao lại
không nghĩ đến lợi ích chung, không lo đến hạnh phúc chung? Mình đã
không tốt lại còn muốn người khác xấu để chia cái xấu với mình. Như ngạn
ngữ Trung Quốc có câu: "Kéo người ta xuống vũng nước dơ mong cùng
lấm như mình". Mình đã không có tài thì không muốn cho người có tài để
khỏi lộ cái dở mả của mình ta, rồi làm đủ cách để chôn vùi người ta đi. Như
người ta thường nói: Tài là hay đi với cái họa, thật là cái họa của sự có tài
vậy. Kẻ sĩ bất kỳ có tài giỏi hay không, cứ vào triều là sinh tệ cả. Thế thì
nước nhà còn mong gì mà dành tài được? Sĩ phu tội gì mà ôm tài để hại
thân? Lại có một loại tệ hơn, tiếng là đào tạo tài, nhưng thực ra vứt bỏ tài.
Sở dĩ được thành tài phần nhiều là do tích lũy thuận đạo, như người ta
thường nói: Con nhà tướng ra cửa nhà tướng. Nay hễ nghe khen thì mời về,
nghe chê thì đuổi đi. Việc chứa giữ tài nguồn gốc của nó thật sâu xa, mà