cũng để lộ cho họ biết nếu họ bị lộ chuyện gì ta sẽ ngầm giúp họ một tay.
Như thế họ sẽ vui thích và hết sức giúp ta, để mong ta giúp họ sau này. Nếu
thực hiện kế đó thì từ ven núi ra phía Đông, họ nỡ nào chiếm đoạt? Còn từ
ven núi đến phía Tây ta với họ cùng có lợi, tuy có mất mát phần ít cũng
chẳng qua là lấy của ngoài đường để mua cái tình người đấy thôi, ta có tổn
hại gì đâu? Vả lại, họ lấy kế để cần ta thì ta cũng tựu kế mà chọi lại họ
không được sao? Nhưng kế đó rất khó, phải khéo điều đình mới được, hãy
đợi tôi từ từ dò xem họ, biết rõ chân tướng sự cơ của họ rồi mới làm.
2. Người Pháp xưa nay từng coi ngôi vua là quý, chức quan là trọng,
và việc làm của họ thì cốt lợi cho dân. Nếu thấy nước nào còn theo tập tục
cũ, đem lòng nghi kỵ đối với người khác không chịu thông hiếu với nhau,
thì họ sẽ lấy câu "lợi mình là để lợi người" mà suy diễn ra cho rằng tạo vật
sinh ra đất đai vốn để cho cả nhân loại hưởng dụng, chứ đâu phải để cho
một nước, một vua nào chiếm lấy làm của riêng? Lẽ đó ở đoạn đầu trong
bài Lục lợi từ tôi đã nói rõ. Nếu hai bên không lưu thông trao đổi để cùng
có điều hay, chung điều lợi thì ta bỏ người lấy không được sao? Nay nếu
biết mở cửa mua bán với nhau, họ không ngăn cản ta qua, ta không ngăn
cản họ lại, hòa hợp với nhau, đúng như thánh thượng đã minh dụ rằng:
"Các nước bốn phương hiện nay đã liên kết giao thông với nhau". Như vậy
là để liệu trước việc sẽ xảy ra, đón kịp thời thế khiến họ phải là khách mà ta
là chủ. Như thế họ sẽ cho rằng ta biết rõ thời thế, nên đến đâu cũng sẽ yên
phận giữ lời ước, giữ danh nghĩa, không dám có ý đồ khác mà cũng không
cần có ý đồ khác làm gì nữa. Thường tình con người ta, cầu lợi mà không
được lợi mới không kể gì nghĩa lý mà liều với tiếng xấu. Nhưng người ta
cũng có nhiều cách che đậy để mong tránh tiếng tham ô xấu xa. Nay đã
được cái lợi như ý, lại tránh được tiếng xấu nữa, mà còn mưu cái lợi khác
để liều chịu tiếng nhơ, lẽ nào có tình đời như vậy? Tôi đã xem xét hết các
nước hễ ở đâu có người của họ cư trú mà nước đó ăn ở tận tình với họ, thì
không những tránh được họa bên ngoài mà mối lo bên trong cũng hết dần.
Vì rằng mối họa khốc liệt thảm hại nhất không gì bằng họa binh đao. Nếu
họ đã ăn ở cùng ta thì khi có họa bên ngoài xảy tới họ cũng sợ bị vạ lây,
buôn bán không thông, khi có hoạn nạn bên trong họ cũng sợ lụy đến thân