gia đình khó bảo toàn. Vì vậy hai trường hợp đó ta không cần giúp tự nhiên
họ cũng sẽ giúp. Nhìn ra các nước ở phương Tây và Tây Châu, vua các
nước thường giao việc nước cho các đại thần mà chu du các nước để mở
rộng kiến văn, không phải lo việc bên trong nữa, vì đã có nhiều người lo
giữ cho rồi. Sở dĩ được thế vì danh nghĩa đã lập, ngôi vị đã định, lý chính,
thế đồng, phải trái thiên hạ đều biết, xử sự hợp với công luận, tung hoành
liên kết nước lớn nước nhỏ, hòa hiếu hợp với các nước, một người làm trái
thì cả đám gỡ cho. Ngày nay việc cai trị được lâu dài yên ổn đều do ở sự
biết kết hợp, khác với thời xưa lấy bùn mà trát kín cửa để tự bảo vệ là thế.
3. Ngày nay cái mà ta thiếu thốn nhất là tiền của. Vì không có tiền của
cho nên trăm việc, việc gì cũng không làm được. Hơn nữa, đồ dùng khí cụ
của ta chưa đủ, tài trí chưa vươn tới, lại chưa có tiền của để mua máy móc
kỹ thuật. Nay nếu đem một nửa số nhân tài cả nước và một nửa của cải ra
thực hành cũng phải đợi vài chục năm sau mới có hiệu quả. Huống chi
trước khi chưa được lợi đã sợ có một biến cố gì khác xảy ra thì tài lực của
ta có khi lại bị người khác dùng. Hơn nữa dân tình yêu ghét chưa giống
nhau, ý kiến còn chưa thống nhất, thì vị tất đã hiểu rõ được ý nghĩa tạm
thời tổn phí để được yên ổn mãi mãi. Phàm việc gì chỉ tính đến cái lợi nhỏ
trước mắt, thì vị tất đã tính toán kịp được cái lợi lớn đến con cháu. Cho
nên, ai lo phận nấy, nhà ai biết nấy, thì vị tất đã hợp được công tư với nhau
như dân các nước phương Tây. Tục ngữ có câu: "Muôn việc khó ở bước
đầu". Hễ thấy việc lớn mà không có lợi ngay thì tâm thần ý chí mệt mỏi rã
rời không chịu làm xong việc. Đại để trong một nước phàm việc dân như
việc hưng lợi, tuy do người trên xướng lên, có khuyến khích hướng đạo rõ
ràng, nhưng do cả nước ở dưới làm. Nếu như ở trên việc gì cũng cứ tự làm
lấy cả thì sự phiền phức thật không kể xiết. Việc làm đó ban đầu thì lợi quy
về dân mà cuối cùng là quy về nước như các hội ở phương Tây. Nhưng dù
trước hay sau cũng đều có lợi chung giữa công và tư. Vấn đề này có nhiều
chi tiết chưa kể hết ra đây. Nay ta nếu biết cân nhắc sự cấp thiết đó mà mời
họ khai nguồn lợi cho, thì dân thấy việc làm của họ có lợi, sẽ hùa nhau mà
theo. Đó là lẽ thứ nhất.