quãng khác. Chử cũng không để ý. Rồi Chử chặt khúc cá măng vứt mẩu đầu
xuống nước.
Chử thấy một cành dâu giơ ra. Gió bay tóc loà xoà, một người con gái
nghiêng một chân đứng trên bờ, nhìn xuống. Chử nhìn lên. Vụt một cái,
không thấy đâu nữa.
Một lát im lặng. Có lẽ người vừa nhìn xuống đã đi vào, nhưng Chử bỗng
nghe tiếng thanh thanh, nho nhỏ hỏi xuống:
- Ai dưới đấy?
Chử lặng yên. Chử đương nhai khúc cá măng. Nhưng trong lòng Chử cũng
đương bồi hồi, không biết trả lời thế nào. Tiếng đâu thoang thoảng như
hương hoa. Sao êm ái, trong óng đến thế. Tưởng như tiếng mơn man lẫn với
gió, đến đỗi không biết tiếng người đầu bãi dâu hay tiếng người ở xa gió đưa
tới.
Tiếng nói cười rộn rã trong kia.
- Cái gì dưới ấy mà mày đứng ngẩn ra đấy?
- Cái gì đấy?
- Hay là con gấu. Con gấu nấp bờ bụi rồi vào phá ngô, phải không? Chạy đi!
Chạy đi!
Những tiếng léo xéo giựt giọng:
- Bắn đi! Bắn đi! Mày sẵn nỏ đấy, bắn đi! Không sợ. Đã có chúng tao trong
này. Đứa nào cũng có nỏ cả đây.
Đồng bãi ven sông thường bị các con vật trong rừng ra ăn hại. Đàn khỉ bới
khoai lang, củ từ. Gấu và voi ăn dưa, bẻ ngô, bẻ chuối. Hổ ra, thản nhiên qua
trước mặt người, dửng dưng không quẫy đuôi, cứ thế mà bắt lợn, bắt chó.
Khi sắp đến mùa lúa, mùa ngô, làng làng xem lại cánh nỏ, vót tên, đặt bẫy
cũi, bẫy hố đầu các ngả cửa rừng.
Tiếng giục lại: