Chử nhìn lên nếp nhà đầu tiên dưới gốc xoan lúc nãy vừa mới thấy. Một bà
lão đứng đấy, tóc bạc vàng nuột như chuỗi tua hoa cau. Xống váy nhuộm vỏ
dà, yếm thắt lưng màu cậy, hai vai trần rám nắng bánh mật. Từ nãy, bà lão
vẫn nhìn xem bọn con gái ngoài bến cười đùa râm ran. Trời nhá nhem rồi
mà còn khoẻ đùa thế.
Chử chắp tay vái lên:
- Lạy cố. Xin cố chỉ cho cháu nơi nghỉ nhờ.
- Cháu vào đây.
Chử bước lên nhà bà lão. Lúc ấy, đã nhọ mặt người, thế mà nghe đâu đấy
vẫn có tiếng khúc khích. Các cô tong tả đi, nhưng chưa hẳn. Các cô về chưa
dứt được. Các cô còn lấp ló trong hoàng hôn. Xem Chử vào nhà ai.
Gió sông hiu hiu lên, xao động, rì rào trên vòm xoan thưa thơm lựng, đưa
xa.
Trong nhà bà lão, đống rấm đã vờn ngọn leo lét. Chử ngồi xuống cạnh lửa,
đặt chã nấu nước. Rồi bà lão lại ra ngoài, lát sau, trở vào, tay cầm nắm chè
tươi, tay xách một con gà trống. Bà đứng lại, quật đầu gà vào cột cửa, ném
xuống đống lửa đương đượm. Chử thui gà, chặt ống lam cơm đỡ bà lão. Lão
bà ngồi kể câu chuyện:
- Cách đây lâu lắm, dễ đến mấy mươi năm rồi, không nhớ, có một người từ
ngoài sông, cũng như cháu, bơi tạt vào, nói rằng con sông này từ nơi nao
đến, phải đi xem mặt mũi chân tay sông nước dài đến thế nào. Sao mà lúc
nào cũng nhiều người hay đi đến thế, cháu nhỉ? Những người trai trẻ đều
mải mê bồn chồn để mắt ra chân trời. Khi không cũng nấy lên đi. Có phải ở
tuổi ấy, người ta như có cánh, con chim xoải cánh bay, ai cũng thế vậy
không. Người ấy ghé bến này ít lâu. Rồi một hôm lại đẩy thuyền ra giữa
mênh mông kia.
Lúc chia tay, người con gái ấy có nói rằng: con sông tựa vào đất, vào rừng,
mà của đất của rừng thì chẳng bao giờ phụ người. Đến mùa cá anh vũ đi
vượt đẻ, sông nước vẫn cho cái ăn, người lên rừng xanh kiếm miếng, tìm cái