Trên bãi cát trong, chẳng biết đã thành bến được bao nhiêu lâu ở khúc sông
cong cánh cung. Nước chảy chậm chậm, lắm mồi lắm cá chen chúc đến thế.
Các hàng thuyền, nhà đò, nhà bè ra vào ngày đêm. Mùa gió, mùa nước,
người vác vạn chài phải leo lên trú trên bờ. Những nhà chài, nửa cọc nửa sàn
dưới nước, nửa ghé chân lên bãi, mái che xoá những dây bí xanh, dây bầu
lọ. Quả bí lúc nhúc vắt ngang, buông thõng, nổi phấn. Bầu bí cùi dày, ít ruột.
Canh ruốc kho bầu bí bến này được tiếng ngon hơn các bến.
Người ở sâu vào thành các làng cửa bến. Có người bảo trông cây đề bãi
trong to thế nào, biết được tuổi bến quê. Hẳn ngày trước, khi các cụ vừa tìm
được dáng đất đẹp, đến đây đã trồng cây đề, đánh dấu cho ấm đất. Cây đề cổ
thụ, thân mốc xù xì như đất thó. Mỗi đầu mùa nắng, lá đề non lại lấp lánh
như cây tơ.
Trong bến, có một túp lều cọ. Những đụn cát áp lên lưng phên nứa cao như
vách. Gió lùa ù ù sởn mái lá.
Ông Chử ở lều ấy. Người hàng chài muốn đón ông Chử vào xóm. Làng xóm
đầm ấm quây quần quanh ông Chử. Nhưng ông Chử bảo cả đời đã ở sông
nước, ông Chử cũng bằng con cá chày, cá chép không xa được hơi sông.
Hôm nào ông Chử cũng tỉnh giấc từ gà gáy canh một. Ông Chử chỉ chợp
mắt đến nửa đêm. Tiếng gà vừa báo canh, ông Chử đã ngồi dậy. Con Vàng
nằm cửa lều, châu đầu vào cũng nhỏm dậy với người. Rồi Vàng uốn cong
lưng, đưỡn hai chân trước, nhẹ nhàng, xong đâu đấy, len lén nép vào bên
ông Chử.
Từ đêm, tiếng sóng rõ hơn. Ông Chử ngồi đấy, bóng lẫn vào khuya. Con
người lão luyện sông hồ nghe biết được những ngọn sóng từ đường ngược
dồn về, từng con đuổi nhau quanh các bờ bãi. Rõ từng dòng chảy, từng dòng
quấn nhau, nô nhau, giỡn nhau vào đến trước bến. Ông Chử nghe tiếng
nước, mà biết được tiếng khô tiếng trong, nước mùa kiệt nhẹ thanh thảnh,
nước mưa mới tiếng đục, tiếng nước sớm nhạt nhẽo, đểnh đoảng...
Tiếng gió lẫn tiếng mái chèo cắt nước, dù con chim thù thì chưa cất tiếng gọi
nhau, nhưng không còn cảm thấy ánh nắng trên vai, thế là biết trời đã xế