Mỗi năm, mấy trận đánh thuồng luồng - mấy trận đổ máu, máu người và
máu những con thuỷ quái.
Ngày ấy, ông Chử còn là một chàng trai dũng mãnh, lẫm liệt. Người tráng sĩ
đánh thuồng luồng không lao cái chão tên đồng vào miệng nó như mọi
người ta. Trên đầu thuyền, chàng Chử cầm chiếc giáo dài. Mồm thuồng
luồng ngoác lên, đỏ đòng đọc, to bằng chiếc đấu đại. Chàng Chử đứng chăm
chắm như cây gỗ nghiến. Uy nghiêm sừng sững. Chàng Chử khoa tay đâm
ngọn giáo suốt họng xuyên lên tận sống lưng thuồng luồng. Rồi, nhanh như
chớp, chàng Chử rút giáo, đẩy thuyền vút ra ngoài vòng quẫy của con vật
giãy chết. Có lần, thuyền không vọt ra kịp. Cả khúc đuôi thuồng luồng quật
lên, chiếc độc mộc bị hất dựng ngược. Chàng Chử lập tức vung con dao bảy,
phạt một cái. Khúc thuồng luồng đứt đôi, ngập xuống. Máu đỏ nhoà ngọn
sóng. Chiếc độc mộc của Chử vụt chui ra.
Cả một vùng nức tiếng tráng sĩ đâm thuồng luồng. Mỗi thuyền phải giong cả
đêm mới được một con, thế mà chỉ một lúc, chàng Chử đâm chết hàng chục
con. Năm nào, đến độ thuồng luồng, cá sấu về, hễ trong đám trai bến đi
đánh, có chàng Chử, chỉ một đêm một ngày đã quang đãng hẳn quãng sông.
Chuyện ngày xưa...
Ồ, năm nay những giống tai ác này về quẫy bến bãi sớm thế. Mỗi thời mỗi
khác hay sao. Ông Chử nghĩ thế.
Thâu đêm, cánh bãi rừng rực lửa củi, khói cuồn cuộn hồng trời. Ánh lửa gọi
người ra hội lại, mai đi đánh thuồng luồng. Tiếng trống rền suốt sáng.
Những làng trong xa cũng phải tỉnh ngủ cả, kéo ra bến. Đám thui hươu nai,
thui lợn. Cảnh rượu báng bày lố nhố. Ràn rạn khắp các xó. Chẳng còn người
nào ngồi yên trong nhà. Các lão bà lọm khọm chạy việc, têm trầu, làm cỗ.
Ai cũng có mặt, như để xem biết sớm mai xuống sông đánh thuồng luồng
đuổi tai nạn đi như thế nào.
Cơ chừng các cô gái bến đến đông vui hơn cả. Ở đâu, các cô gái cũng mau
tay nhất đám. Các cô chặt ống vầu, lam cơm. Lửa cơm lam lập loè khắp nơi.
Những con lợn, mấy con nai vừa được khiêng đến. Một cô cầm chân, một cô