duy nhất, chỉ một người trong ngày cưới hoặc ngày thụ phong tước vị, một
bà mẹ vừa sinh đứa con đầu lòng mới xúc động như chàng hiện thời: lòng
kính cẩn thâm ân và trang trọng song song với nỗi lo âu kín đáo vì phút
giây rung cảm siêu thoát duy nhất sẽ trôi qua, bị xếp vào ngăn tủ thời gian
để rồi rơi vào đĩ vãng.
Chàng đứng nhìn Huyền Minh, người dìu dắt chàng trong tuổi niên
thiếu, gói kín trong chiếc áo thụng của người môn đệ khả ái và được ân
sủng, gương mặt nổi bật vẻ yên lặng, dâng kính, tôn nghiêm và hé nở nụ
cười. Trên khuôn mặt khôi ngô, mộ đạo và thánh thiện ấy phảng phất đôi
nét đau khổ và chết chóc, hai tay dài vươn lên như tỏ lòng biết ơn và kính
tín; tất cả như chan hòa tuổi trẻ trong nhạc điệu nội tại; sự thất vọng và nổi
loạn hoàn toàn vắng bóng. Bên trong dáng dấp thanh nhã ấy, dù vui hoặc
buồn, Huyền Minh vẫn cao vòi với tất cả sự tinh khiết và hòa điệu.
Đan Thanh đứng yên và lặng ngắm tác phẩm của mình. Chàng trầm tư
trước kỳ công của tuổi trẻ và tình bạn, rồi rơi vào cơn bão phiền muộn, tâm
tư trĩu nặng. Trong bức tượng này vị Thánh cao nhã kia sẽ tồn tại, nét tươi
đẹp không bao giờ tàn. Nhưng đối với chàng người sáng tạo, người dự phần
vào pho tượng, ngày mai chàng không còn ở đây nữa, sẽ không cần đến hai
bàn tay này để tô điểm và diễn bày, không còn là nơi trú ẩn, niềm an ủi,
một ý nghĩa cho cuộc đời chàng cũng không. Chàng không giữ lại chút gì,
hoàn toàn trống rỗng. Có lẽ chàng nên từ biệt ngay ngày hôm nay, không
những chỉ riêng bức tượng Thánh Gioan mà cả ông thầy, thành phố và nghệ
thuật, ở đây không còn gì dành cho chàng nữa, không còn hình ảnh nào ấp
ủ trong tim để chàng có thể điêu khắc nửa. Hình ảnh mà chàng thường ao
ước, hình ảnh người mẹ của nhân loại đã xa rời khỏi tầm với, và còn rất lâu
chàng mới bắt giữ được. Hay là chàng quay sang đẽo gọt những thiên thần
bé nhỏ hoặc chọn khắc đồ vật trang hoàng?
Đan Thanh ngưng không nghĩ tiếp và bước sang xưởng làm việc của
thầy: chàng rón rén đi vào khung cửa cho đến khi Không Lộ thấy và gọi
chàng: