CHƯƠNG XVIII
Suốt những ngày đầu sống trong tu viện Đan Thanh ở trong gian
phòng dành riêng cho khách, cạnh lò rèn, theo lời chàng yêu cầu trong dãy
nhà phụ vây quanh khoảng sân lớn giống như một ngôi chợ.
Trở về mái nhà xưa, chàng như đi lạc vào một khung cảnh mê đắm
mãnh liệt, đến nỗi chàng phải tự kinh ngạc. Ngoại trừ tu viện trưởng, không
một ai biết chàng ở đây. Mọi người tu sĩ cũng như tân tòng, đang sống một
cuộc đời kỷ luật, công việc của họ rất bề bộn nên chẳng ai buồn chú ý đến
chàng. Tuy nhiên hàng cây trong sân, những vòm cổng và khung cửa sổ
đều nhận biết chàng, cối xay với bánh xe nước và con đường lát đá ngoài
hành lang đều thân thuộc với chàng, ân tình xa xưa bàng bạc trên khóm
hồng tàn úa nơi ô cửa tò vò, trên tổ chim cò mái nhà ăn, vựa lúa... Tại mỗi
nơi chốn, hương dĩ vãng, hình ảnh thiếu thời vụt đến nơi chàng, biết bao
êm đềm và xao xuyến: lòng dào dạt yêu thương, chàng muốn nhìn lại tất cả,
lắng nghe mọi âm điệu, từ tiếng chuông đổ hồi trong thánh lễ buổi chiều
hoặc ngày chúa nhật, tiếng cối xay âm thầm quay đều dưới bờ tường rêu
xanh, đến tiếng dép vang dội trên thềm đá và chùm chìa khóa leng keng
trong ánh hoàng hôn theo bước chân cậu tân tòng đi khóa cửa. Gần cổng đá
dẫn nước, nơi nước mưa từ nóc nhà ăn học trò tuôn xuống, cỏ vẫn mọc chi
chít, cỏ phong thảo và mã đề và cây táo già cỗi nơi khu vườn lò rèn vẫn còn
những nhánh cây cong queo chĩa ra xa. Nhưng xúc động nhất là hồi chuông
trường học báo giờ ra chơi, tất cả học sinh trong tu viện đều túa xuống bực
thang ra sân. Những gương mặt bé bỏng, trẻ thơ và khờ dại làm sao! Có
phải chàng cũng đã khờ dại, từng ranh mãnh, vụng về và đĩnh ngộ như vậy
chăng?
Ngoài những nét thân thuộc yêu dấu chàng còn tìm thấy trong tu viện
một cái gì xa lạ đã làm chàng chú ý ngay những ngày đầu. Hình ảnh mới lạ
ấy càng được chàng chú ý và từ từ tan lẫn vào những hình ảnh thân yêu xa
xưa. Kể từ ngày chàng ra đi, tuy chưa có sự vật gì mới mẻ thêm vào, có lẽ
tất cả vẫn giữ nguyên hàng trăm năm nay, nhưng ngày nay chàng nhìn cảnh