trong nhà ăn, nơi mà một sư huynh đọc lại truyện tích các Thánh trong giờ
ăn. Bục cao ấy chưa được trang hoàng. Đan Thanh quyết định điêu khắc
những bậc thang lên cao như một giảng đài với một bức chạm nổi chung
quanh và một số tượng khác để đứng. Chàng giải thích đồ án này cho tu
viện trưởng và được chấp thuận.
Khi khởi sự công việc, tuyết đã rơi, Giáng sinh đã qua -đời sống của
Đan Thanh bước qua một sắc thái mới. Chàng như đã biến mất khỏi tu
viện, không còn ai trông thấy chàng nữa. Chàng không còn thơ thẩn trong
rừng hoặc bách bộ dưới các vòm cung. Chàng không còn chờ đợi giờ các
học sinh tan học. Chàng dùng bữa trong nhà máy xay. Người chủ máy xay
không phải là người ngày xưa khi chàng còn là học sinh đến thăm viếng.
Và chàng không cho phép ai vào trong xưởng ngoại trừ Bảo Ân, và có
nhiều ngày chính cậu ta cũng chẳng nghe chàng mở miệng.
Đối với công trình thứ nhất này, chàng đã nghĩ ra từ lâu một thiết kế
như sau gồm có hai phần, một biểu thị cho thế gian, một cho lời của Chúa.
Phần bên dưới, chung quanh các bực thang, để biểu thị cho tạo vật, những
hình ảnh thiên nhiên, đời sống bình thường của chư tổ và các nhà tiên tri.
Bên trên khung lan can là hình ảnh bốn vị thánh tông đồ. Một trong những
trứ giả của Phúc âm sẽ có nét mặt của tu viện trưởng Từ Vân nhân hậu, một
người khác là cha Lương, người kế vị, và pho tượng của thánh Luke sẽ làm
hình ảnh thầy Không Lộ trở nên bất diệt.
Chàng đã gặp nhiều trở ngại lớn hơn chàng đã dự liệu. Và những trở
ngại này đã mang đến nhiều phiền toái, nhưng là những phiền toái ngọt
ngào. Hiện giờ chàng thích thú và đôi khi chàng lại thất vọng, chàng theo
đuổi công việc của chàng như phải đối đầu với một người đàn bà miễn
cưỡng, chàng chiến đấu với khó khăn một cách quả quyết và mềm dẻo như
người đánh cá chiến đấu với con cá trắm to lớn, và mỗi kháng cự đều gợi
cho chàng xúc cảm sâu xa. Chàng đã quên mọi việc khác. Chàng quên cả tu
viện, gần như quên cả Huyền Minh. Huyền Minh có đến vài lần, nhưng chỉ
để xem những bản vẽ.