mình cho những lời kinh như thể khi anh đàn hay hát. Anh không có những
tư tưởng mơ mộng trong lúc đó, phải không? Không, anh chỉ nhấn nốt nhạc
bằng những ngón tay một cách nhất tâm thuần thục càng nhiều càng hay.
Khi anh hát cũng vậy anh không tự hỏi hát như thế nào, có ích lợi gì hay
không. Anh chỉ có việc hát. Ấy, anh cũng phải cầu nguyện y như vậy.
Một lần nữa, lời khuyên ấy thành công; cái ngã tham lam bướng bỉnh
của Đan Thanh tự dập tắt trong giáo đường. Một lần nữa những lời kinh
khả kính lại bay lượn trên đầu chàng như những vì sao.
Tu viện trưởng rất bằng lòng thấy Đan Thanh vẫn tiếp tục khổ ta mỗi
ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sau khi thời kỳ sám tội đã chấm dứt, sau
khi chàng đã nhận các phép bí tích.
Trong khi ấy, công việc của Đan Thanh vẫn tiếp tục tiến triển. Một thế
giới nhỏ hiện lớn lên từ những bực thang hình trôn ốc dày đặc: sinh vật cây
cỏ, muông thú và loài người. Ngay giữa là Noah đứng trong đám lá và
chùm trái nho. Công trình giống như một tập tranh ảnh ca tụng sự sáng tạo
một thế giới đẹp đẽ, chàng tự do diễn đạt nhưng vẫn chịu định hướng một
trật tự và kỷ luật nội tâm. Suốt những tháng ấy, không ai ngoài Bảo Ân
trông thấy được công trình, cậu ta được phép làm những việc nho nhỏ và
không ước mơ gì hơn ngoài việc trở thành nghệ sĩ. Nhưng cũng có vài ngày
nào đó, cả cậu ta cũng không được vào trong xưởng điêu khắc. Có những
ngày Đan Thanh sống với cậu ta, chỉ bảo cậu ta vài việc và để cậu ta tập
làm thử, chàng vui vì có được một người môn đệ tin tưởng mình. Nếu công
việc thành công tốt đẹp, chàng sẽ xin cha của Bảo Ân để cậu đến tập sự hẳn
như một người phụ tá thường trực.
Chàng đã tạc pho tượng các trứ giả trong những ngày tươi đẹp nhất
đời chàng, tất cả cùng hòa điệu không một thoáng nghi ngờ. Chàng nghĩ là
sẽ thành công hơn hết với bức tượng mang nét mặt của tu viện trưởng Từ
Vân. Chàng thương yêu bức tượng ấy vô cùng, một gương mặt rạng rỡ ân
cần và tinh khiết. Chàng không thỏa mãn lắm với pho tượng thầy Không
Lộ, mà Bảo Ân ái mộ nhất. Pho tượng ấy hiển lộ một cái gì bất ổn, đau