quyến rũ đàn bà ấy, có những phú bẩm của Thượng đế, tràn trề ánh sáng và
tài hoa.
Há không phải mỗi đường nét trong những hình tượng kia, mỗi con
mắt, làn môi, mỗi cành lá, mỗi nếp áo kia, thật là sống động, nồng nàn,
không thể thay thế hơn bất cứ điều gì mà một nhà tư tưởng có thể hoàn
thành? Há không phải người nghệ sĩ này, với trái tim đầy đau khổ, xung
đột, đã nặn ra những hình tượng biểu trưng cho nỗ lực và thèm khát của vô
số người hiện tại và mai sau, những hiện tượng mà muôn người sẽ chiêm
ngưỡng vì tìm được trong đó nguồn an ủi và sức mạnh?
Hệt như ngày xưa, chàng đã có lần can dự vào tuổi thơ của Đan Thanh
một cách tàn bạo, chuyển hướng đời cậu bé thì bây giờ kể từ khi trở về Đan
Thanh cũng đã làm cho tâm chàng tán loạn, buộc chàng phải hoài nghi và
tự xét lại mình. Chàng đã không cho Đan Thanh cái gì mà về sau không
nhận lại gấp bội.
Người bạn chàng đã cất vó ra đi để chàng ở lại suy tư cả thời gian.
Nhiều tuần đã trôi qua. Từ lâu cây dẻ gai đã rụng hết hoa, màu lá xanh non
đã trở nên sẫm tối, dày và cứng, đàn cò đã ấp trứng xong trên ngọn tháp và
đang tập bầy con mới nở bay cao. Đan Thanh càng rời xa, Huyền Minh
càng thấy rõ mối quan hệ trọng đại giữa hai người. Trong tu viện, Huyền
Minh có nhiều cha thông thái, một chuyên gia về Platon, một nhà ngữ pháp
lỗi lạc, và một hai nhà thần học uyên bác. Nhiều người kính tín, trang
nghiêm và đoan trực. Nhưng Huyền Minh không có ai đồng đắng với
chàng, không có ai để chàng đo lường nghiêm túc với chính mình. Chỉ một
mình Đan Thanh là mang lại cho chàng điều mà không gì có thể thay thế
được. Chàng thật khổ sở khi phải từ bỏ điều ấy và cả người bạn tài hoa
tương đồng. Chàng nhớ bạn vô cùng, mong mỏi trông đợi bạn.
Chàng thường đến xưởng điêu khắc khích lệ cậu Bảo Ân phụ tá đang
tiếp tục làm việc cho điện thờ và nôn nóng mong đợi vị thầy trở về. Đôi khi
tu viện trưởng mở khóa phòng Đan Thanh nơi tượng Đức Mẹ an vị, cẩn
trọng dở tấm vải che và nhìn ngắm khá lâu. Chàng không biết gì về xuất xứ