Một số người đã làm vậy. Họ quan sát tổ chức, biết rằng sẽ
không bao giờ có thể đạt được vị trí cao nhất, họ liền từ bỏ. Thái độ
của họ là: “Nếu tôi không thể làm đội trưởng của đội bóng, tôi sẽ
mang bóng của mình về nhà.”
Những người còn lại tham gia vào quy trình lãnh đạo nhưng cảm
thấy nản chí vì chức vụ của mình trong tổ chức. Tại sao họ lại như
vậy? Bởi vì họ định nghĩa thành công nghĩa là ở vị trí cao nhất. Vì
thế, họ tin rằng không ở vị trí cao nhất, nghĩa là họ không thành
công. Nỗi chán chường dai dẳng có thể khiến họ vỡ mộng, cay đắng
và bi quan. Khi đó, thay vì giúp ích cho bản thân và tổ chức, họ biến
mình thành “chướng ngại vật”.
Nhưng, những người đó làm được điều gì tốt nếu họ chỉ đứng
bên ngoài?
Hãy nghiên cứu trường hợp của sáu nhân vật được tạp chí Fortune
tháng 8/2005 ngợi ca là những anh hùng thầm lặng của phong trào
dân quyền. Những người này không đi diễu hành hay ngồi biểu
tình ở quầy bán đồ ăn. Sự đóng góp và chiến trường của họ là ở các
công ty Mỹ. Họ trở thành giám đốc điều hành của các công ty như
Exxon, Phillilp Morris, Marriott và General Foods.
Clifton Wharton, CEO da đen đầu tiên của một công ty lớn
(TIAA-CREF), nói: “Gordon Parks đã có sự biểu lộ thật tuyệt vời, ‘sự
lựa chọn vũ khí’. Khi chiến đấu, bạn luôn chọn lựa vũ khí. Một số
người trong chúng ta đã lựa chọn chiến đấu ở bên trong.”
Khi Wharton và những người tiên phong như Darwin Davis,
James Avery, Lee Archer, James “Bud” Ward và George Lewis tham
gia vào các công ty Mỹ trong những năm 1950 và 1960, điều khiến
họ nghĩ mình phải trở thành CEO của Equitable, Exxon, General
Foods, Marriott và Phillip Morris là gì? Họ không có nhiều cơ hội.