Suốt hai năm ròng, Nella phải học để trở thành một tiểu thư khuê
các. Nàng luyện tập dáng đi, dù nàng vẫn luôn kêu ca là chẳng có nơi
nào để đi. Và lần đầu tiên, Nella cảm thấy một ao ước được thoát khỏi
ngôi làng này vì chẳng tìm thấy đâu bầu trời rộng lớn khoáng đạt tự do
tự tại, chỉ có mỗi một cái nhà tù nông thôn với tầng tầng lớp lớp bụi
phủ. Trong chiếc váy lót siết thật chặt, nàng tập chơi đàn luýt, di
chuyển những ngón tay khéo léo trên bàn phím, hiểu tính khí nóng nảy
của mẹ vừa đủ để không nổi loạn. Vào tháng Bảy vừa rồi, những lá
thư cầu cạnh của mẹ nàng, nhờ vào những mối quen biết của người
chồng quá cố đang sống trong thành phố, cuối cùng đã đáp xuống một
mảnh đất màu mỡ.
Một lá thư được gửi đến, chữ viết ngoài phong bì gọn ghẽ, lưu
loát và tự tin. Mẹ nàng không cho nàng đọc. Nhưng một tuần sau,
Nella phát hiện ra mình sắp chơi đàn cho một người đàn ông, một nhà
buôn tên Johannes Brandt, đến từ Amsterdam. Khi hoàng hôn dần
buông trên bình nguyên Assendelft, có một người khách lạ ngồi trong
ngôi nhà xiêu vẹo của mẹ con Nella lắng nghe nàng đánh đàn.
Nella nghĩ ông có vẻ cảm động, và khi nàng chơi xong, ông bảo
ông rất thích. “Tôi rất mê đàn luýt.” Ông nói với nàng. “Một nhạc cụ
đẹp. Tôi có hai chiếc treo trên tường, nhưng nhiều năm rồi chưa có ai
chạm tay vào chúng.” Và khi Johannes Brandt ngỏ lời cầu hôn, nàng
quyết định nhận lời. Đó là một người đàn ông ba mươi chín tuổi, một
Methuselah
chính hiệu! Carel bi bô nói vậy. Nếu từ chối thì có vẻ
như thật vô ơn và ngốc xít. Như Marin đã nói, còn có lựa chọn nào
khác ngoài việc lấy chồng?
Sau lễ cưới ở Assendelft vào tháng Chín, tên của hai người được
lưu vào cuốn sổ của nhà thờ. Một bữa ăn tối đơn giản và nhanh gọn
diễn ra tại nhà Oortman. Johannes ra về ngay sau đó, bảo là có hàng
cần gửi đến Venice, và ông phải đích thân làm việc đó. Nella và mẹ
nàng đồng ý. Johannes quá cuốn hút, với điệu cười nhếch môi đầy