ngậy dầu. Otto được cho lui và anh ta cúi đầu chào, hai tay cầm cẩn
thận những bó giấy tờ. “Xem cho kỹ nhé, Otto!” Johannes nói. “Cảm
ơn cậu.” Nella tự hỏi liệu những đối tác làm ăn của Johannes có một
người hầu như Otto không, hay chỉ mỗi chồng nàng có. Nàng chăm
chú nhìn nét mặt của Otto xem thử anh ta có biểu lộ lo lắng gì không,
nhưng anh ta có vẻ tự tin và lanh lợi.
Giá vàng nén, những bức vẽ đóng vai trò tiền tệ, sự bất cẩn của
vài người phu khuân vác chuyển hàng của ông từ Batavia... Marin
ngấu nghiến những mẩu tin của Johannes mà chắc chắn hấp dẫn hơn
nhiều so với món cá trích. Nếu có lúc nào ông tỏ ra ngập ngừng,
Marin sẽ chộp ngay lấy cơ hội để làm anh trai mất mặt. Cô ta nắm bắt
tin tức về doanh thu thuốc lá sợi, lụa và cà phê, cây quế và muối. Ông
nói về những hạn chế mới của chế độ Mạc phủ, về việc vận chuyển
vàng và bạc từ Dejima, về những thiệt hại lâu dài do việc này gây ra,
nhưng VOC vẫn cương quyết dành ưu tiên cho lợi nhuận hơn lòng tự
trọng.
Nella cảm thấy say sưa với những thông tin mới mẻ này, nhưng
Marin có vẻ thản nhiên. Tin về hợp đồng tiêu hạt với vua Hồi giáo
Bantam là gì? Và điều đó có ý nghĩa gì với VOC? Johannes kể cho em
gái nghe về những cuộc nổi loạn của dân trồng đinh hương ở Ambon,
VOC cho rằng đất của họ có quá nhiều cây cối. Khi Marin hỏi về bản
chất thật của tình trạng bất ổn đó, ông nhăn mặt: “Bây giờ, chắc tình
hình thay đổi rồi, Marin, và ta sẽ không biết gì cả.”
“Johannes, chuyện đó xảy ra quả thường xuyên.” Cô ta hỏi anh
trai về số lụa còn mắc nợ một thợ may ở Lombardy. “Ai giành được
quyền nhập khẩu?”
“Anh quên rồi.” Ông bảo.
“Ai, Johannes? Ai?”
“Henry Field. Một thương gia của Công ty Đông Ấn Anh.” Ông
đáp.
Marin nện nắm đấm xuống bàn. “Lại người Anh.”