lâu quá, chân tôi phải bị cưa!
Lúc này Hạ nhìn ông ta kỹ hơn. Khuôn mặt lo lắng, hốc hác như
trải qua một cơn khủng hoảng kinh hoàng lắm. Chiếc quần cộc bạc thếch
với những vết bẩn của đất và vết loang của máu. Những vết thương ở chân
và người chứng tỏ ông là người bị thương nặng thế mà ông lại phải ngồi ở
một góc phòng. Những chiếc giường trắng của khu cấp cứu là nơi dành cho
những người bị thương trầm trọng hơn. Vài cái giường chen chúc bởi hai,
ba người hoặc hai, ba gia đình. Người bị nặng được ngồi hoặc nằm. Người
bị nhẹ hơn thì đứng tựa gần đó. Nghĩ đến thân phận của những người miền
Trung phải bỏ nhà chạy vào tị nạn ở Nha Trang mà không được yên thân,
Hạ buồn bã trả lời:
- Cháu không biết gì cả bác ơi! Có lẽ mấy anh đó sẽ kiếm bác sĩ cho
bác.
Chào ông ta để đi đến chăm sóc cho người khác mà tâm trí Hạ
không được tập trung. Hạ không hiểu mấy anh Hồng Thập Tự làm sao tìm
được bác sĩ cho hết thảy số người bị thương la liệt. Những ngày này, bác sĩ
cũng như y tá thật là khó tìm trong thành phố. Nhưng mà, nếu lúc này thực
sự có bác sĩ hay y tá thì Hạ cũng không biết ai là bác sĩ, ai là y tá, bởi vì
mọi người ăn mặc như nhau ngoài trừ những anh chàng Hồng Thập Tự
“hung dữ” này. Hạ không rành về y học và cứu thương, vì vậy Hạ cảm thấy
bất lực và thua sút với những người đồng trang lứa. Với chai thuốc khử
trùng và chiếc khăn, Hạ chỉ biết đi đến người này sang người khác và lau
máu. Ngoài những câu an ủi qua loa, Hạ không thể làm gì khác hơn nữa.
Hạ không dám quyết định việc gì ngay cả khi họ đòi uống nước. Hạ cũng
không dám hỏi là nên hay không vì sợ bị la. Cho đến khi nghe mấy người
mặc áo trắng la lớn, cảnh cáo: “Không được cho bệnh nhân uống nước!” thì
Hạ lập tức không chiều theo ý của bệnh nhân nữa.
Khác với những người bị thương xung quanh, một đứa bé khoảng
mười tháng nhoẻn miệng cười trong lòng mẹ. Hạ ngạc nhiên bước đến và
ngồi xụp xuống bên người mẹ trẻ, Hạ nói:
- Cho em bế em bé một tí nghe!
Nhăn mặt vì đau đớn, nhưng chị bằng lòng chuyền đứa bé sang cho