giải, tự trả lời những câu hỏi từ bản chất cuộc sống, trong thời điểm lịch sử
ấy. Nếu không, ai cần đọc tiểu thuyết. Ðời phong phú hơn nhiều.
Suy diễn tùy tiện đến chà đạp nhân phẩm của nhà văn, đâu phải khuynh
hướng của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong phê bình nghiên cứu văn học.
Với nghề văn, đòi hỏi trước tiên là cái tâm và cái đức. Ðọc những dòng tâm
sự của ông, càng thấu hiểu ông hơn.
"Kể ra thì hồi này tôi còn viết được nhiều. Còn nhiều đề tài tôi chưa viết.
Có nhiều chuyện, tôi định viết, nhưng không viết nổi vì không nỡ, nó
thương tâm quá. Chẳng hạn một cảnh trong gia đình một anh phu xe. Ngày
mà tên đốc lý Hà Nội ra lệnh cấm ngồi xe cao-su hai người, và định giá mỗi
cuốc ngắn, khách phải trả một hào, thì ai cũng tưởng nó tốt với anh em lao
động. Nhưng cái áo ngoài nhân đạo che đậy cái âm mưu bên trong là nó
giết anh em kéo xe. Bởi vì trong khi ấy, nó hạ giá xe điện xuống mỗi chặng
đỗ có hai xu. Cho nên xe điện đương ế thì chật những khách. Người ta
không đi xe kéo nữa, vì đáng lẽ hai người thuê hai xe, phải trả hai hào, thì
đi xe điện, mỗi người chỉ mất có hai xu. Vì lẽ ấy, mà anh phu xe tôi nói trên
kia, không kiếm ra tiền để nuôi nổi vợ và một con. Vợ anh vì bận con mọn,
cũng chỉ đi gánh nước thuê mỗi ngày chẳng đủ ăn. Hai vợ chồng bèn đổi
cách sinh sống, vợ làm nghề mại dâm. Chồng dắt khách về. Cứ tối tối,
người vợ trang điểm xong, thì mang gửi con bên hàng xóm. Chồng đưa
khách về nhà, thì ngồi chờ ở ngoài đường. Rồi khách ra, anh kéo người ấy
đi. Tôi đã ngồi vào bàn giấy, nghĩ ra cảnh ấy để viết. Tôi đã tưởng tượng và
tôi đã khóc. Không thể nào hạ bút được.." (tr.214, tr.215).
Một tấm lòng: Một tâm hồn đáng kính. Một ý tưởng quyết liệt từ giác ngộ
cách mạng. Suốt đời, Nguyễn Công Hoan trung thành với Tổ quốc, nhất
quán trong mọi ứng phó, trước biết bao tình huống khắc nghiệt (dù với việc
của gia đình, của đoàn thể, của ngòi bút). Ông coi nghề viết là sứ mạng
thiêng liêng. Ông không bao giờ "bứt lìa" hoặc "bán" ngòi bút của mình và
cũng không bao giờ ông tự "cãi" cho chính mình. Như một cây cổ thụ cam
chịu đứng trước giông bão. Như một con khủng long mà Nguyễn Minh
Châu đã từng "nhìn" thấy. Và Hoàng Trung Thông phải thốt lên: "Trong thế
hệ nhà văn cùng với Anh chẳng ai làm được hơn Anh".