Như thế, không biết từ lúc nào Okada đã trở thành hình mẫu chuẩn mực
trong khu nhà trọ Kamijo này.
Mỗi ngày cậu ta đi dạo theo một lộ trình quen thuộc. Thả bộ xuống con
dốc Vô Duyên tịch liêu, đi vòng qua hướng bắc của hồ Shinobazu có làn
nước đen như thuốc nhuộm răng
của sông Aisomegawa, rồi dạo quanh
ngọn đồi trong công viên Ueno. Sau đó rẽ sang Hirokoji, xuyên qua khu
Nakacho nhỏ hẹp mà náo nhiệt, vào trong khuôn viên đền thần đạo Yushima
rồi rẽ qua con đường phía góc chùa Karatachi âm u trước khi về nhà. Cũng
có khi cậu ta rẽ phải ngay khu Nakacho và đi dọc theo con dốc Vô Duyên
đìu hiu buồn tẻ về nhà. Đây là một lộ trình đi dạo.
Có khi cậu ta xuyên qua trường đại học mà ra phía cổng Đỏ. Vì cổng sắt
đóng sớm nên cậu ta đi vào bằng cổng dành cho bệnh nhân khám chữa bệnh
vãng lai. Về sau cái cổng này bị dẹp bỏ thay bằng một cái cổng đen mới
khác ngay chỗ cuối đường Haruki bây giờ. Từ cổng Đỏ cậu ta thả bộ trên
con phố Hongo cho đến trước tiệm bánh nếp, tiếp tục đi vào khuôn viên của
đền Kanda. Sau khi băng qua cầu Mắt Kính Meganebashi
đó vẫn là một kiến trúc tân kỳ, Okada đi thêm một lúc nữa nơi khu
Yanagiwara mà các ngôi nhà đều nằm ở một phía đường dọc theo con sông.
Sau đó cậu ta quay lại đường theo con đường nhỏ phía tây Narimichi, rồi ra
đến trước chùa Karatachi. Đây là một lộ trình khác nữa.
Trên đường tản bộ, việc cậu ta thường xuyên làm là ghé vào những hiệu
sách cũ và xem lướt qua những trang sách. Những hiệu sách cũ nằm giữa
phố Ueno Hirokoji và Nakacho ngày đó vẫn còn hai, ba tiệm cho đến bây
giờ. Còn những nhà sách ở đường Narimichi thì vẫn còn giữ nguyên đến
nay. Song ở khu Yanagiwara thì hoàn toàn tuyệt tích. Những nhà sách đường
Hongo thì cũng mấy lần thay gia đổi chủ. Hiếm khi nào Okada rẽ phải ngay
cổng Đỏ là vì những con đường khu Morigawa chật chội tù túng và một lý
do nữa là chỉ có một nhà sách cũ ở phía Tây khu phố mà thôi.
Việc Okada hay ghé vào những hiệu sách cũ, nói theo ngôn ngữ ngày nay,
là vì sở thích văn chương. Vào thời đó các tiểu thuyết mới và các vở kịch