kiên quyết. Cho nên, ngay từ đầu, sự chỉ đạo của cả cái hệ thống tổ chức
phức tạp và cơ động ấy cần phải tỏ ra nhậy bén, kịp thời.
Máy bay Xô-viết đã hai lần lao xuống bắn phá nơi tiếp giáp của phòng
tuyến địch; một đám khói đen phủ lên các chiến hào và hầm hố quân Đức.
Nhưng đến khi bộ binh tiến theo sau các chiến xa hạng nặng, lao lên tấn
công, thì quân Đức tung ra một hỏa lực dày đặc của tất cả các cỡ pháo,
súng cối và súng chống xe tăng. Các tiểu đoàn trưởng gọi điện thoại báo
cáo với Méc-xa-lốp là bộ binh phải nằm bẹp cả, vì hỏa lực địch mạnh quá,
không thể nào tiến được. Méc-xa-lốp đứng dậy, mở nắp túi súng lục: phải
làm cho bộ binh vùng dậy và tiến lên bằng được. Đối với một người không
biết sợ là gì, thì còn gì dễ hơn là hô: "Anh em, theo tôi, tiến!" và xông vào
khói lửa. Anh cảm thấy trong chốc lát một niềm thất vọng chua cay: Trận
đánh hôm nay chuẩn bị chu đáo là thế chẳng lẽ lại thất bại hay sao? Lần
đầu tiên, anh đã dự kiến được những tình huống của cuộc chiến đấu sẽ diễn
ra và có kế hoạch đối phó tỉ mỉ như một nhà bác học, như vậy chẳng lẽ lại
vô ích hay sao?
- Không, - anh gắt gỏng nói với đồng chí tham mưu trưởng - nghệ thuật
chiến tranh đã và sẽ là: không sợ cả kẻ địch lẫn thần chết! Phải cho bộ binh
vùng dậy.
Tuy vậy, anh không rời khỏi cơ quan tham mưu. Tiếng chuông điện thoại
lại réo lên, và liền sau đó là tiếng chuông, của một máy khác nữa.
- Máy bay oanh tạc ít kết quả vì quân địch nấp trong hầm hố; hỏa lực của
chúng vẫn còn nguyên vẹn - Cô-sê-cốp nói - Đại bác và súng cối của chúng
vẫn bắn liên tục.
Xê-rê-ghin báo cáo:
- Xe tăng vấp phải một hỏa lực pháo dày đặc, bộ binh đã nằm phục
xuống cả, chiến xa thì vẫn tiến. Hai chiếc đã bị đứt xích. Tôi cho rằng tiếp
tục tiến càng không có lợi.
Lại tiếng chuông điện thoại nữa: đồng chí sĩ quan liên lạc của không
quân hỏi về hiệu quả của các trận ném bom, và hỏi có nên thay đổi kế
hoạch oanh tạc không, vì các phi công báo cáo là bộ binh ta không tiến
được mà pháo binh địch vẫn hoạt động như thường. Lúc đó, một trung tá