“Đúng vậy. Trong nhà còn rất nhiều nơi bày hình nhân kiểu này nữa.”
Má đứng ngược sáng, nên tôi không nhìn rõ vẻ mặt của bà.
“Tại sao cha con lại làm những thứ này?”
“Má cũng chịu, không biết tại sao.”
Hiryu Koyo cha tôi, từng là điêu khắc gia và họa sĩ nổi tiếng. Tôi biết ít
nhiều về ông, nhưng ở vai trò ‘nghệ sĩ Hiryu Koyo’ chứ không phải vai trò
một người cha.
Hiryu Koyo sinh năm 1924 tại Kyoto. Ông quyết ý trở thành họa sĩ, trái
với tâm nguyện của cha mình, doanh nhân Hiryu Takenaga.
Năm 1949, Hiryu Koyo 25 tuổi, rời Kyoto đến Shizuoka định cư và lấy
vợ ở đó. Đến khi ông nội qua đời, ông mới về Kyoto và tiếp tục sáng tác.
Về điêu khắc, Koyo dùng nguyên liệu truyền thống, sáng tác theo lối trừu
tượng. Về hội họa, sở trường của ông là vẽ tĩnh vật với bút pháp tinh tế. Ông
ghét giao du, ngay cả các đối tác cũng coi ông là người lập dị. Tuy nhiên,
họa sĩ vẽ tranh ảo ảnh Fujinuma Issei ở thành phố Kobe lại là bạn chí cốt
của ông.
Đây là lần đâu tiên tôi nghe nói Hiryu Koyo làm hình nhân, lại còn là hình
nhân kiểu ma nơ canh. Nó quá xa lạ với thủ pháp và xu hướng nghệ thuật
của ông.
Từ khi nào và tại sao Hiryu Koyo lại tạo ra những thứ này?
Mà có lẽ tại tôi hiểu biết chưa đủ về nhà điêu khắc Hiryu Koyo cũng nên.
Tôi vốn không biết nhiều về ông, nhất là hơn mười năm qua, khi bắt đầu
nhận ra vị trí của mình đối với Hiryu Koyo, tôi càng cố kiềm chế, không
nghĩ đến ông nữa.
Dù ở tư cách con trai ông hay tư cách một họa sĩ bình thường.
“Soichi, đi nào! Lần đầu tiên con đến đây, tốt nhất nên ra ngoài dạo một
vòng.” Má thúc giục khi thấy tôi đứng đờ ra.
Tôi thôi nhìn thân hình cụt tay không mảnh vải của cô gái và bước ra theo
lời má.