3
Ra khỏi cổng, rẽ trái rồi đi tiếp.
Men theo hàng rào sơn trà trải dài đến tận góc xa của khu đất, tới chỗ
ngoặt sẽ gặp một cái cổng đá giống hệt ban nãy, đây là lối vào nhà trọ.
Tấm biển gỗ cũ kỹ treo ở cổng viết tên khu nhà: Lục Ảnh Trang.
Trên cùng bậc thềm đá rộng là một công trình kiến trúc khiến tôi rất kinh
ngạc. Khác hẳn ngôi nhà cũ kiểu Nhật vừa rồi, đó là một ngôi nhà hai tầng
kiểu Tây điển hình.
Tường ngoài là những tấm ván gỗ sơn màu xám. Mái nhà phủ đầy rêu
xanh. Nhìn từ chính diện thì thấy ban công tầng hai rất rộng, đám dây leo
xanh tốt bám đây lan can và cánh cửa lớn kiểu Pháp. Đích thực là một trang
viên xanh.
Ngoài sân trồng anh đào và phong, lá cành rậm rạp ôm trọn ngôi nhà vào
lòng. Cây cối trông như đã lâu không được thợ làm vườn xén tỉa chăm sóc,
nhưng không có vẻ gì là bị bỏ hoang. Trái lại, nó cho ta cảm giác cỏ cây thả
sức sinh sôi và là một phần không thể thiếu của nơi đây, hệt như cảm nhận
vừa nãy của tôi với ngôi nhà chính.
Khu nhà này vốn là của ông nội tôi, Hiryu Takenaga.
Sau khi tiếp nhận thừa kế, cha tôi chuyển về đây sinh sống và làm việc
nhưng trên thực tế, ông chỉ sử dụng ngôi nhà chính mà thôi. Bên này được
cải tạo thành nhà cho thuê, đúng hơn là ký túc xá giá rẻ dành cho sinh viên.
Tên gọi ‘Lục Ảnh Trang’ chắc là do cha đặt.
“Nhà bên này cũng rộng thật! Có cả thảy mấy phòng ạ?” Tôi dừng bước
và hỏi má. Bà đang che chung ô với tôi.
“Để má nhớ lại xem… Hình như là mười phòng. Nhưng có mấy chỗ gộp
hai phòng lại để sử dụng, nên chỉ có sáu gian cho thuê thôi.”
“Đều có người thuê hết rồi ạ?”
“Đã cho thuê ba gian. Con muốn biết khách thuê là những ai à?”
“Không ạ, tiện thì con hỏi thôi.”
Dưới làn mưa bụi, trên đường lát đá, chúng tôi tiến về phía tiền sảnh.