Vợ chồng Ikeo, tức cha mẹ nuôi của tôi, cũng hiếm khi chỉ trích nhắc nhở
đứa con trai này. Tôi ốm yếu từ nhỏ, tính cách khép kín nên giao du cực kỳ
kém, nhưng ba má đều thông cảm.
Huống chi, tôi lại biết rõ một việc. Nhà Ikeo nhận được một khoản tiền
kha khá từ cha đẻ tôi, gọi là tiền nuôi dưỡng. Tôi nghĩ, nếu không có khoản
tiền này, chắc hoàn cảnh sống của tôi đã khác.
Sau khi ba nuôi mất, thể chất tôi vẫn yếu như trước thường xuyên ốm đau
khiến má lo lắng rất nhiều.
Cứ thế, tôi sống ru rú ngót hai mươi năm trong ngôi nhà xây trên đồi cao
trông xuống biển. Ngoài một số bạn hồi đại học thi thoảng đến chơi, tôi gần
như không gặp bất cứ ai khác nữa. Những tháng ngày buồn tẻ lặp đi lặp lại,
tĩnh lặng như mặt nước ao tù.
Đó là cuộc sống cách biệt với tình yêu, hôn nhân.
Chuyện chẳng có gì đáng tự hào, nhưng tôi cũng không vì thế mà tự ti.
Má chưa bao giờ đề cập đến vấn đề này. Tôi cảm thấy, có lẽ mình cứ thế này
mãi cũng nên.
Dường như muốn lấp đầy mười mấy năm không gặp nhau, Rakeba
Hisashige hỏi han rất nhiều điều. Ví dụ tôi thường vẽ gì, đã mở triển lãm cá
nhân chưa, tại sao tôi lại chuyển đến Kyoto… Tôi cũng mở lòng kể lại hết.
“À, cậu được thừa kế gia sản khổng lồ như thế thì phải nộp thuế, chắc
phiền hà lắm?”
Tôi khẽ gảy tàn thuốc vào chiếc gạt tàn đã đầy đầu mẩu, thừa nhận,
“Đúng thế, hình như phải giải quyết không ít về đất đai.”
“‘Hình như’? Chúng ta đang nói về chuyện của người khác à?”
“Tôi nằm viện lâu quá nên phó thác mọi việc cho má giải quyết. Kể cả
chuyển chỗ ở cũng do bà quyết định ”
“Hiện nay bác làm cơ quan nào?”
“Má có đi làm, nhưng là hồi trước cơ. Từ khi chuyển về Kyoto thì nghỉ
rồi. Nay lo coi sóc khu nhà kiểu Tây và các mảnh đất chưa xử lý xong.”
“Giờ cậu khỏe lại rồi chứ?”
“Ừ, cũng tạm ổn.”
“Ngày trước cậu rất hay nghỉ học.”