Regine đã “chiến đấu như một con cọp cái” để kéo Kierkegaard trở lại
nhưng vô vọng, đành buông xuôi, về sau kết hôn với người thầy học đã yêu
là Schlegel.
Sau vụ tai tiếng, Kierkegaard trốn chạy khỏi Copenhagen, đến Berlin trú
ẩn và nghiên cứu với lời xưng tụng Regine: “Nàng đã biến tôi thành nhà
thơ”.
Và đúng vậy, nhờ Regine, Kierkegaard đã thi hóa triết học.
Đổi lại, nhờ Kierkegaard, Regine trở nên bất tử như Beatrice của Dante
. Hình ảnh của Regine hầu như xuyên thấm mọi trang văn của ông. Từ bỏ
nàng mà vẫn yêu quý nàng, mà tâm linh tràn ngập nàng, đó mới là nghịch lý
của tình yêu bất tử.
Kierkegaard còn nói rõ khi còn rất sớm là sau khi ông mất, tác phẩm và
sản nghiệp của ông sẽ dành tặng Regine, người đã vô tình mặc khải cho ông
con đường tâm linh.
Từ xa nàng, Kierkegaard lui về đời sống cô đơn. Những trang mơ tưởng
kỳ lạ được viết theo những cách như chưa từng ai viết với những bút danh
khác nhau, những mặt nạ tác giả cứ tràn ra với đời gây sửng sốt, hoặc chế
giễu, hoặc hoảng sợ, hoặc im lặng không hiểu, hoặc ngộ nhận…
Từ cuốn Hoặc là/ Hoặc là năm 1843 lần lượt ra đời những kiệt tác Sợ
hãi và Run rẩy, Sự hồi khởi, Những chặng đường đời, Cơn bệnh chết người,
Những mảnh vụn triết học…
Tác phẩm cuối cùng là Bất biến của Thượng đế (1855).
Nếu phải khắc chữ nào đó trên mộ bia của mình, Kierkegaard không
muốn chọn gì khác ngoài chữ Cá Thể (The Individual).
Ông chỉ là một cá thể. Cá thể trong chọn lựa, xao xuyến và ưu tư.