Bốn câu thơ tiếp theo (đoạn 2, bài 2) chuyển hướng theo một ngã rẽ
bất ngờ, từ âm hưởng trào phúng chuyển sang âm hưởng trữ tình, từ tả kết
hợp với kể chuyển sang tự biểu hiện về nỗi lòng da diết nhớ thương Tổ
quốc, mà Tổ quốc thì cách xa nghìn trùng, khiến lòng buồn như vạn mối tơ
rối bời, cứ thường trực trong người, cứ vấn vương trong mộng. Đằng đẵng
đã ở tù trọn một năm, thời gian không phải ngắn, hơn nữa chẳng tội tình gì
mà phải tù, cứ giải đi giải lại vòng vo, quay quặt, kêu mãi cũng không thấu,
thật là cay đắng, trong khi đó bao công việc lớn đang chờ, đồng chí ngóng
đợi, hỏi không đau buồn sao được. Những câu thơ ứa nước mắt. Tâm hoài
cố quốc thiên đường lộ / Mộng nhiễu tân sầu, vạn lữ ti / Vô tội nhi tù dĩ
nhất tải / Lão phu hoà lệ tả tù thi. Trong xa cách ngàn trùng, nỗi lòng nhớ
thương đất nước đau đáu suốt ngày đêm đã bộc lộ tư tưởng lớn ôm trùm
toàn bài thơ.
Lão phu hoà lệ tả tù thi
(Già này hoà nước mắt viết thơ tù.)
Lô gích phát triển của bài thơ dẫn đến câu kết không làm bất ngờ
nhưng lại gây xúc động lớn, ứa nước mắt, lắng sâu và gợi những suy nghĩ
về một dòng chảy ngầm xuyên suốt cả tập Ngục trung nhật ký.
Cả tập thơ không hề thấy Bác khóc, Bác nén tiếng khóc sau nụ cười.
Có lúc đau khổ quá, tột cùng thì lấy tiếng hát át tiếng khóc, Ngục trung hại
bệnh chân tân khổ/ Bản ưng thống khốc khước cuồng ca (Ở tù mắc bệnh
càng đau khổ/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn). Chỉ đến bài thơ Thu dạ sắp kết
thúc tập thơ mới thấy duy nhất, bắt gặp một lần chữ lệ (nước mắt), ngẫm kỹ
thì hóa ra cả tập thơ, bài nào cũng có nước mắt, viết bằng nước mắt, Hòa
nước mắt viết thơ tù. Bác là nhà cách mạng vĩ đại, là vĩ nhân, là anh hùng
dân tộc, với ý chí mãnh liệt, kiên cường không chịu lùi một phân trước
những gian khổ, những nguy nan, nhưng Bác vẫn là con người như bao con
người, thân thể và tinh thần cũng chịu đau đớn, buồn khổ như mọi người,
cũng rơi nước mắt, cũng tràn lệ. Chữ lệ ở đây mang nhiều ý nghĩ. Chữ lệ