cũng như chữ thép, cũng chỉ duy một lần trong câu: Nay ở trong thơ nên có
thép, nhưng cả tập thơ, tất cả các bài thơ trong tập đều mang chất thép, toát
ra tinh thần thép. Chất thép đó được tôi luyện trong đấu tranh, trong gian
khổ. Chất thép đó cũng được tôi luyện bằng nước mắt, sinh ra trong nước
mắt. Đó là chất thép, đó là nước mắt Bác Hồ.
Lão phu hòa lệ tả tù thi
Quách Mạt Nhược, Trung Quốc cảm nhận: “Đây là nước mắt của
người anh hùng, nước mắt của người chiến sĩ. Nước mắt này không nhỏ vì
mình, mà là vì hàng nghìn hàng vạn con người bị đau khổ”.
Tuổi già, nước mắt, thơ tù. Câu thơ, tứ thơ chứa đựng sự xót xa, nỗi
đau buồn cao độ. Trong cảnh mất nước nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã
từng: "Nói ra thì nước mắt trào / Tấm lòng ưu ái biết bao giờ rồi," những
tấm lòng cao cả gặp nhau. Tuy âm hưởng xót xa, đau buồn là âm hưởng
chủ đạo của bài thơ, nhưng hoàn toàn không bi luỵ, không hề chán nản
mang tâm lý thất bại mặc dù nhiệm vụ trọng đại đối với đất nước đang tiến
hành chưa thành công. Cái xót xa, cái đau buồn ở đây là biểu hiện tinh
thần, tấm lòng yêu nước tha thiết đến vô cùng, chính vì vậy mà luôn luôn tự
chủ, trào phúng cái cảnh ngộ khổ đau của nhà tù gây ra mà mình phải chịu
đựng. Cái buồn cao cả, sáng trong. Từ cái buồn này khiến ta liên hệ ngay
đến mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Buồn ta, là của muôn đời / Buồn ta
không chảy thành đôi lệ hèn / Buồn ta lửa ấy đang nhen / Buồn ta ấy rượu
lên men say nồng. Nỗi buồn đáng trân trọng.
Hai đoạn thơ, hai trạng thái tình cảm, tương đối độc lập với nhau,
nhưng không tách rời nhau mà hoà hợp, hài hoà với nhau, đoạn 1 là tiền đề
của đoạn 2, lại được nối liền từ một mạch ngầm chạy dọc toàn bài, đó là
tinh thần yêu nước, là nỗi buồn nhớ nước khôn nguôi.
Một đêm thu buồn - đêm thu nhớ nước.