"phông", mà còn phủ lên các mỏm đá một lớp thuốc tráng ảnh đặc biệt và
in lên trên đó những tấm ảnh lớn bên ngoài có phủ keo cho bền. Hàng loạt
những gia đình - bố, mẹ, ông, bà, con cháu, - đứng ngồi đủ mọi tư thế từ
trên các mỏm đá mỉm cười nhìn xuống và tạo nên, như tôi đọc được trong
một bài quảng cáo nào đó, cái "không khí gia đình" ấm cúng. Còn Junon,
một tiểu hành tinh trước đây đẹp đến vậy, bây giờ hầu như không còn tồn
tại nữa: bất kỳ người nào ngứa tay đều có thể bẻ của nó một mẩu rồi ném tứ
tung vào không gian. Người ta không tiếc cả những thiên thạch sắt niken -
chúng bị xoáy để làm cúc áo và nhẫn lưu niệm - lẫn các sao chổi. Bây giờ
hiếm có sao chổi nào xuất hiện mà đuôi còn nguyên vẹn.
Tôi hy vọng rằng khi ra khỏi giới hạn của Hệ Mặt Trời, tôi sẽ thoát khỏi cái
mớ hỗn độn nhốn nháo này, khỏi các bức chân dung gia đình trên vách đá
và những câu thơ ngây ngô, nhưng nào có được!
Giáo sư Briuke ở đài thiên văn mới đây có than thở với tôi rằng ánh sáng
của hai ngôi sao trong chòm Bán Nhân Mã đều bị mờ đi. Mà làm sao có thể
khác được, nếu như những vùng lân cận đều bị đổ đầy rác rưởi?! Xung
quanh hành tinh nặng Thiên Lang (có thể nói, nó là cái đinh của hệ thống
này), dần dần đã hình thành nên một vành đai giống như vành đai nổi tiếng
của Sao Thổ, chỉ có điều là bằng vô số vỏ chai bia và nước ngọt. Các nhà
du hành vũ trụ qua đây phải tránh không chỉ những dòng thiên thạch, mà cả
từng luồng vỏ đồ hộp, vỏ trứng và giấy báo cũ. Có nhiều nơi các thứ rác
này che lấp cả những ngôi sao. Các nhà vật lý vũ trụ hàng năm trời nát óc
tìm nguyên nhân của tình trạng bụi vũ trụ phân bố rất không đồng đều
trong các Thiên hà khác nhau.
Tôi nghĩ rằng lời giải đáp ở đây hết sức đơn giản - nơi nào nền văn minh
Thiên hà càng phát triển nơi đó càng xả rác nhiều, vì vậy mà càng lắm bụi
bặm, rác rưởi và chất thải.
Đây là một vấn đề gay cấn không chỉ đối với các nhà vật lý vũ trụ, mà còn
cả đối với những người dọn rác. Tuy rằng ở các Thiên hà khác người ta
cũng chưa biết cách giải quyết nó, nhưng nói thẳng ra, điều đó cũng chẳng
an ủi được bao nhiêu.
Một trò nghịch ngợm nữa cũng rất đáng phải lên án là thói nhổ vào khoảng