tâm đó là lính Anh hay lính Mỹ, cứ trả tiền phà là đưa thôi. Tôi đoán là ông
ấy kiếm bộn. Kiểu gì thì nhà Ames thời nào cũng lắm tiền. Họ sống trong
một căn nhà to với bao nhiêu kẻ hầu người hạ. Tôi tin Harriet sẽ rất thích
khi được gặp cậu.”
“Ông tử tế quá,” Stuart đáp, “nhưng dạo này cháu không giao tiếp
nhiều. Di chuyển quá mà. Chẳng ở đâu lâu được - cứ vù vào một thị trấn rồi
lại vù ra ngay, nay đây, mai đó, quá như ma trơi. Muốn tìm cháu thì chỉ có
ra đường, đường chính, đường phụ, lúc nào cũng đi tìm Margalo. Thỉnh
thoảng cháu có cảm giác rất gần cô ấy, như quẹo khỏi khúc quanh là gặp
được ngay. Lại có lúc cháu có cảm giác như sẽ không bao giờ tìm thấy cô
ấy nữa, không bao giờ nghe được giọng cô ấy nữa. Nói chuyện này lại nhớ
ra, đến giờ cháu lên đường rồi.”
Stuart trả tiền nước, chào tạm biệt ông chủ tiệm, và lái xe đi.
Nhưng Ames’ Crossing có vẻ là thị trấn đẹp nhất từ trước tới nay với
Stuart, và trước khi đến được đầu mút của con đường chính, nó thình lình
quẹo trái, rẽ vào một con đường bụi bặm, và lái xuống một nơi yên tĩnh bên
bờ suối. Buổi chiều đó Stuart bơi và nằm ngửa trên bờ rêu, hai tay bắt chéo
đặt dưới gáy, ý nghĩ quay về cuộc đối thoại với ông chỉ tiệm.
“Harriet Ames,” nó thầm thì.
Trời đổ tối mà Stuart vẫn còn luẩn quẩn bên dòng nước. Nó ăn tối nhẹ
nhàng với bánh mì kẹp pho mát mà uống một cốc nước, ngủ qua đêm trong
cỏ mềm với tiếng suối bên tai.
Sáng ra, mặt trời mọc ấm áp và sáng bừng, và Stuart lại bò xuống sông
lần nữa để làm một trận tắm sớm. Sau bữa điểm tâm, nó giấu xe bên dưới
một lá bắp cải dại rồi đi bộ ngược về bưu điện. Trong lúc đang bơm mực
cho cái bút máy từ bình mực công, nó vô tình liếc về phía cửa, và điều nó
thấy làm nó giật mình đến nỗi suýt mất thăng bằng mà rơi vào lọ mực.
Một cô gái cao chừng hai inch vừa mới bước vào và đang băng qua
sàn hướng về dãy hộp thư. Cô mặc quần áo thể thao và bước đi với mái đầu
ngẩng cao. Và cô giắt một nhị hoa trên tóc.
Stuart bắt đầu run rẩy vì phấn khích.