dụ, cô ấy chỉ cho chúng tôi thấy rằng người ta cần biết một số điều về ngôn
ngữ để sử dụng nó tốt hơn, vâng, sao lại không, đó là một điều kiện tiên
quyết. Ví dụ, rằng biết chia động từ ở tất cả các thời sẽ tránh được những
lỗi lớn làm người ta phải xấu hổ trước tất cả mọi người trong một bữa tiệc
thượng lưu (“Lẽ ra tôi đến nhà ông sớm hơn nhưng tôi được nhầm đường”).
Hoặc rằng để viết đúng một tờ giấy mời đến dự buổi vũ hội thân mật ở lâu
đài Versailles, cần phải biết quy tắc hợp giống, số của tính từ chỉ phẩm
chất: người ta tránh viết “Các bạn thân mến, bạn có muốn đến Versailles tối
nay không? Tôi sẽ rất lấy làm cảm động. Bà hầu tước de Grand-Fernet”
.
Nhưng nếu cô Maigre cho rằng ngữ pháp chỉ để làm như thế thôi… Mọi
người đều biết nói và chia động từ trước khi biết rằng đó chỉ là một động
từ. Và nếu có thêm kiến thức, tôi cũng không nghĩ rằng nó mang tính quyết
định.
Còn tôi, tôi cho rằng ngữ pháp là con đường để đến với cái đẹp. Khi
nói, đọc hay viết, người ta cảm thấy thích thú nếu viết được một câu hay
hoặc đang đọc một câu hay. Người ta đủ khả năng nhận biết một cách dùng
từ hay, hoặc một văn phong hay. Nhưng khi học ngữ pháp, người ta đến với
một tầm khác của vẻ đẹp ngôn ngữ. Học ngữ pháp, tức là lột bỏ vỏ bọc của
ngôn ngữ, xem nó được cấu tạo như thế nào, nhìn nó trần trụi, theo một
cách nào đó. Đó chính là điều tuyệt diệu: bởi vì người ta tự nói với bản thân
mình: “Sao mà đúng thế, sao mà hay đến thế!”, “Sao mà chặt chẽ, tài tình,
nhiều ý nghĩa, tinh tế đến thế!”. Chỉ cần biết rằng có nhiều loại từ và người
ta phải biết chúng để quyết định các khả năng sử dụng và kết hợp chúng,
điều đó đã làm tôi xúc động mạnh. Tôi thấy rằng không có gì đẹp hơn ví dụ
như ý nghĩ về cơ sở của ngôn ngữ, hay rằng có danh từ và động từ. Khi bạn
có ý nghĩ đó, tức là bạn đã hiểu được cốt lõi của bất cứ lời nói nào. Thật
tuyệt, đúng không? Danh từ, động từ…
Để đến được với tất cả vẻ đẹp của ngôn ngữ mà ngữ pháp cho ta thấy,
phải chăng cần tự đặt mình vào một trạng thái ý thức đặc biệt? Về phần tôi,