Đối với Guillaume, tất cả các sự vật đều là cá biệt, còn chủ nghĩa duy
thực về các khái niệm phổ quát là sai lạc. Chỉ có các thực tế riêng biệt, khả
năng khái quát chỉ là của riêng trí óc và đó chính là làm phức tạp điều đơn
giản là giả định sự tồn tại của các thực tế cùng chủng loại. Nhưng chúng ta
có chắc chắn đến thế không? Mới tối hôm qua thôi, tôi vừa hỏi về sự tương
đồng nào giữa tranh của Raphael và tranh của Verneer? Con mắt nhận thấy
ở đó một hình thức chung của cả hai, đó là cái Đẹp. Còn về phần mình, tôi
cho rằng cần phải có thực tế trong hình thức đó, nó không được chỉ đơn
giản là một phương tiện của trí óc con người, vốn chỉ phân loại để hiều,
phân biệt để nhận thức rõ: bởi vì người ta không thể phân loại những thứ
không thích hợp với việc phân loại, không thể tập hợp những thứ không thể
tập hợp được, không thể ghép lại những thứ không thể ghép được. Một cái
bàn không thể là bức tranh Quang cảnh Delft: trí óc con người không thể
tạo ra sự khác biệt này, cũng như nó không có khả năng sinh ra sự gắn kết
sâu sắc dệt nên một bức tranh tĩnh vật Hà Lan và một bức tranh Đức Mẹ
đồng trinh bế con của Ý. Cũng giống như mỗi cái bàn thuộc một loại gỗ tạo
nên hình thức của nó, mỗi tác phẩm nghệ thuật lại thuộc một hình thức phổ
quát, hình thức duy nhất có thể đem lại dấu ấn đó. Chắc chắn chúng ta
không trực tiếp nhận thấy tính phổ quát đó: đây là một trong những nguyên
nhân khiến nhiều triết gia ngần ngại coi những điều cốt lõi là có thật vì tôi
bao giờ cũng chỉ thấy cái bàn hiện hữu chứ không thấy hình thức phổ quát
"bàn", chỉ thấy bức tranh này chứ không thấy cốt lõi của cái Đẹp. Thế
nhưng... thế nhưng nó ở đó, ngay trước mắt chúng ta: mỗi bức tranh của
bậc thầy Hà Lan là một hiện thân của nó, một sự hiện hình sáng rõ mà
chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn qua sự vật cá biệt nhưng lại cho chúng ta
tiến tới sự vĩnh cửu, đến tính phi thời gian của một hình thức cao đẹp.
Sự vĩnh cửu, thứ vô hình mà chúng ta đang nhìn.