sẽ quật cho tôi vài roi - sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều - con ranh này làm
ta bực mình quá. "Em muốn thoả thuận," tôi nói thêm. "Em vẫn chưa biết
chị muốn gì cơ mà," chị Colombe phản ứng lại với vẻ mặt hơi giễu cợt.
"Chị muốn em đến gặp bà Michel," tôi nói. Chị Colombe há hốc mồm kinh
ngạc. Chị ấy nghĩ là tôi đần độn, và cuối cùng đã tin điều đó là thật. "O.K.
nếu chị không bật nhạc to ở phòng chị trong một tháng." "Một tuần," chị
Colombe nói. “Thế thì em sẽ không đi đâu," tôi đáp. "O.K." chị Colombe
nói, "em hãy đi gặp mụ già cặn bã đó và bảo mụ ấy mang cho chị cái túi
của thầy Marian ngay khi người ta mang tới.” Rồi chị đi ra và đóng sầm
cửa lại.
Thế là tôi đến gặp bà Michel và bà ấy mời tôi uống trà.
Đầu tiên, tôi thử bà ấy. Tôi không nói gì nhiều. Bà ấy nhìn tôi rất kỳ
lạ, cứ như lần đầu tiên nhìn tháy tôi. Bà ấy không nói gì về chị Colombe.
Nếu là một người gác cổng thực sự, lẽ ra bà ấy phải nói câu gì đó kiểu như:
"Ừ, chị của cháu ấy, dù sao nó cũng không được nghĩ là nó muốn gì cũng
được." Thay vì câu đó, bà ấy mời tôi một chén trà và nói chuyện với tôi rất
lịch sự, cứ như tôi là một con người thực sự.
Trong phòng thường trực, tivi đang mở. Nhưng bà ấy không xem tivi.
Người ta đang chiếu phóng sự về những thanh niên đốt xe ôtô ở ngoại ô.
Nhìn những hình ảnh đó, tôi tự hỏi: cái gì có thể xô đẩy một thanh niên đến
chỗ đốt xe ôtô? Trong đầu anh ta nghĩ gì? Rồi tôi nghĩ thế này: còn tôi? Tại
sao tôi muốn đốt căn hộ của nhà mình? Các nhà báo nói về nạn thất nghiệp
và nghèo đói, còn tôi nói về tính ích kỷ và kiểu cách giả dối của gia đình
tôi. Nhưng đó là những điều chẳng hay ho gì. Luôn luôn tồn tại nạn thất
nghiệp, nghèo đói và những gia đình khốn khó. Thế nhưng không phải sáng
nào người ta cũng đốt xe ôtô hay căn hộ. Tôi tự nhủ rằng, cuối cùng, tất cả
những điều đó chỉ là lý do giả tạo. Tại sao người ta đốt ôtô? Tại sao tôi lại
muốn đốt căn hộ?