những tiêu chuẩn của OECD về giám sát các giao dịch tài chính. Sau sự
kiện 11/9, họ vẫn không nhân nhượng chủ quyền của mình thể hiện qua
việc tiến hành chiến tranh chống khủng bố. Theo quy định của Liên hiệp
quốc, hành động đó không vi phạm luật vì quốc gia này có thể tuyên bố đây
là hành động tự vệ.
Vấn đề là việc bảo vệ ngôi vị bá chủ xung đột trực tiếp với ý tưởng về xã
hội mở toàn cầu. Quan điểm bá chủ là sẵn sàng bỏ qua việc chủ quyền của
các quốc gia khác bị xâm phạm, chỉ chú ý bảo vệ chủ quyền của Mỹ trong
bất cứ lĩnh vực nào. Mỹ chỉ muốn tác động đến quốc gia khác, chứ không
muốn ai tác động đến mình. Ý tưởng về xã hội mở toàn cầu sẽ buộc Mỹ
phải tuân thủ những luật lệ chung giống như các nước khác. Ngoài ra, Mỹ
còn phải thực hiện vai trò lãnh đạo trong việc củng cố các tổ chức các quy
định, luật pháp và quy chuẩn quốc tế. Việc đẩy mạnh các quy định, luật
pháp và chuẩn mực hầu hết ảnh hưởng tới chủ quyền do đó phải có hình
thức khuyến khích và thúc đẩy những nước tự nguyện tuân thủ. Dĩ nhiên
chúng ta không mong Mỹ sẽ tự mình làm điều đó nhưng quốc gia này cần
là người khởi đầu để các quốc gia khác noi theo.
Có lẽ không cần phải nói rằng ý tưởng này hoàn toàn đối nghịch với
chính sách hiện tại của Mỹ. Đây không phải là vấn đề về chính trị đảng
phái. Chính quyền Bush nhất quán về quan điểm bá chủ hơn chính quyền
Clinton nhưng chính sách lại từ hai đảng - và ở cả hai phe đều có người ủng
hộ ý tưởng về xã hội mở toàn cầu.
Quan điểm bá chủ được xem là thiết thực và thực tế trong khi ý tưởng về
xã hội mở toàn cầu có xu hướng bị loại bỏ vì tính chất không tưởng. Tôi
xin phép có ý kiến khác. Tôi thừa nhận quan điểm bá chủ là thực tiễn vì nó
thể hiện ngay trước mắt và ngay bây giờ nhưng mục tiêu mà nó theo đuổi
lại phi thực tế và phản tác dụng hơn so với xã hội mở toàn cầu.