Có quan điểm cho rằng theo quy tắc của WTO những hoạt động được Ủy
ban điều tra ILO cho phép có thể không được WTO thừa nhận. Điều này có
thể đúng nếu có quốc gia áp đặt trừng phạt thương mại chống lại Myanmar.
Rủi thay, quan điểm này chưa được kiểm chứng vì chưa có quốc gia nào
làm như thế theo phát hiện của ILO. Tôi tin rằng WTO sẽ có một hội đồng
trọng tài tôn trọng quyền thực thi pháp lý của ILO; nếu không việc kích
động chống lại WTO là có lý do hợp pháp.
ILO là tổ chức thiếu sức ảnh hưởng tới mức Trung Quốc không thèm ký
kết nghị định thư hợp tác với tổ chức này. Nghị định thư này có thể có ích
trong tương lai, khi ILO trở nên lớn mạnh hơn, nhằm buộc Trung Quốc
phải tôn trọng tự do của các hiệp hội. Trung Quốc có nguồn lao động rẻ vô
tận và nguồn lao động đó đang trở nên hiệu quả hơn khi nền kinh tế nước
này phát triển. Nếu người lao động Trung Quốc không được hưởng những
thành quả từ năng suất gia tăng của họ, các quốc gia khác sẽ càng khó cạnh
tranh với Trung Quốc hơn.
Môi trường, Y tế và Sự an toàn
Những quy định về môi trường, y tế và sự an toàn đưa ra nhiều vấn đề
gai góc. Hiện tại, các quốc gia được tự do đưa ra bất kỳ quy định nào mình
muốn trong phạm vi biên giới của mình, nhưng chưa có quốc gia nào có thể
dùng trừng phạt thương mại để áp đặt tiêu chuẩn của mình cho quốc gia
khác khi sản phẩm nhập khẩu giống sản phẩm được sản xuất trong nước.
Chỉ ngoại lệ cho trường hợp có một hiệp định quốc tế trong đó cả hai thành
viên WTO đều tham gia. Điều này gây trở ngại cho việc đưa ra các tiêu
chuẩn về bảo vệ môi trường cho các quốc gia khác. Đàm phán về vấn đề
trái đất đang nóng lên là một ví dụ cho thấy rất khó đạt được các hiệp định
quốc tế.