Một trường hợp tạo bước ngoặt, đó là khi Mỹ đưa ra quy định cấm nhập
khẩu các loại tôm đánh bắt theo phương pháp ảnh hưởng tới loài rùa biển
đang bị nguy hiểm. Quy định này đã không được WTO thừa nhận, và sau
một thời gian kiện tụng kéo dài, hội đồng trọng tài đã ra quy định vào tháng
6 năm 2001 ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu tôm của Mỹ, đưa nỗ lực thiện chí
của Mỹ vào đàm phán hiệp ước bảo vệ loài rùa biển. Đây là một chiến
thắng quan trọng của những người bảo vệ môi trường và đã xóa bỏ rất
nhiều lời chỉ trích chống lại WTO; nó đã tạo nên một tiền lệ cho các trường
hợp về môi trường khác.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi. Rõ ràng khi một quốc gia bị ảnh
hưởng bởi phương pháp sản xuất sản phẩm của các nước khác, như trường
hợp trái đất nóng lên, thì quốc gia này phải tự vệ bằng cách đưa ra những
trừng phạt thương mại. Nhưng trong trường hợp không bị ảnh hưởng thì
sao? Chẳng hạn, trường hợp hoá chất nhuộm da làm nhiễm độc không khí ở
Ấn Độ, hay hóa chất lọc đồng gây độc hại trong đất ở Chilê?. Hay nếu Mỹ
đưa ra luật cấm khai thác Bắc cực trong khu vực thuộc địa phận Mỹ, thì Mỹ
có cấm nhập khẩu dầu Bắc cực từ Nga không?
Phải thừa nhận WTO không đủ năng lực để giải quyết những vấn đề về
môi trường, y tế và thực phẩm. WTO không có uy tín cũng như chuyên
môn trong các lĩnh vực phức tạp và chi phí cao này. WTO chỉ có thể bảo
đảm mình không bị các thế lực bảo vệ ngành công nghiệp lợi dụng. Vì vậy
những vấn đề này nên được giải quyết ngoài phạm vi hạn chế của WTO.
Những nhà hoạt động vì môi trường ở các nước phát triển đang lớn tiếng
đưa ra các tiêu chuẩn môi trường chung, nhưng các nước nghèo sẽ không
đáp ứng được chúng. Áp đặt các tiêu chuẩn bằng cơ chế bảo đảm thực hiện
rõ ràng là phân biệt đối xử với các nước kém phát triển hơn. Đây là trường
hợp chúng ta nên sử dụng hình thức khuyến khích bằng tài chính nhằm kêu
gọi các quốc gia tự giác tuân thủ. Bảo vệ môi trường là một mục đích cao
cả; những ai tin tưởng vào mục đích này cũng cần phải chuẩn bị tài chính.