Quyền sở hữu trí tuệ đưa ra một số vấn đề về khái niệm lẫn thực tế. Ngay
chính thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” rất dễ gây hiểu lầm như một dạng sở hữu
hữu hình
[28]
. Đặc điểm chính của sở hữu hữu hình là giá trị của nó phát
sinh từ việc sử dụng của người chủ sở hữu, còn giá trị của sở hữu trí tuệ
phát sinh từ việc sử dụng của người khác: tác giả muốn tác phẩm của mình
được mọi người đọc, người phát minh muốn phát minh của mình được sử
dụng. Bằng sáng chế và bản quyền bảo đảm cho người phát minh được
tưởng thưởng, nhưng không nhất thiết hình thức thưởng phải là tiền. Chẳng
hạn, khoa học thuần túy có truyền thống phục vụ cho công chúng, và những
nhà khoa học mong muốn được công nhận về trí tuệ hơn là tiền thưởng.
Việc thành lập quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế đã biến công việc trí
óc thành một lĩnh vực kinh doanh, và kinh doanh thì phải có lợi nhuận. Có
lẽ quá trình này đã đi quá xa. Đương nhiên chúng ta cần bảo vệ bằng sáng
chế nhằm khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu, nhưng cũng mất mát phần
nào khi khoa học, văn hóa và nghệ thuật bị động cơ lợi nhuận chi phối.
Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng ta quay lại thời phong trào rào đất nông
nghiệp. Vào buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản ở Anh, đồng cỏ của công
được chuyển thành tài sản tư nhằm tăng năng suất. Sự thật không may là
các cá nhân không thu lợi nhuận đủ để bù đắp cho chi phí họ đầu tư sửa
sang đất công. Cái này được gọi là “bi kịch của mảnh đất công”. Khoa học
và văn hóa, về phương diện lịch sử là chủ yếu phục vụ cho công chúng,
hiện nay cũng đối mặt với một phong trào “khoanh rào” tương tự. Việc tư
hữu hóa lĩnh vực công đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tính đa dạng
của văn hóa, và thực chất là cho chính văn hóa. Không thể hình dung làm
thế nào văn hóa có thể được truyền bá rộng rãi nếu không cho phép “truy
cập miễn phí” sở hữu trí tuệ. Khó khăn này đã vượt ngoài khả năng giải
quyết của WTO. Để tạo sự cân bằng giữa lĩnh vực công và tư cần phải có
một sự thay đổi từ gốc rễ và những sự thay đổi khác thuộc về tổ chức có thể
áp dụng rộng rãi.