NHO GIÁO - Trang 281

mà hễ người nào giữ được cái tâm sáng suối thì biết “nhân” là nhà rộng ta
ở, “nghĩa” là cái đường lớn ta đi, không bao giờ bị cái lợi và cái dục làm
cho ta lầm đường lạc lối. Nho giáo truyền đến đó tuy về đường hình thức có
một vài điều hơi khác cái học của Khổng Tử, nhưng tinh thần vẫn là một.
Cách Mạnh Tử độ mấy chục năm thì có Tuân Tử xướng lên cái thuyết tính
ác và lại chú trọng ở sự dùng lễ mà kiểu sức cái tính ác. Tuy ông vẫn giữ cái
nền nhân nghĩa, trung tín để làm cơ sở cho sự giáo hóa, nhưng ông thiên về
mặt công dụng và chủ trương thủ đoạn chuyên chế để trừ bỏ những điều mà
ông cho là tà thuyết, bí từ. Cái kết quả của sự học ấy gây thành cái chính trị
chuyên chế ở đời nhà Tần.
Ấy là từ đời Xuân Thu đến cuối đời Chiến Quốc cái học của Nho giáo đã
biến thiên đi như thế. Hết đời Tuân Tử thì trong Nho giáo chỉ còn có một
người trứ danh hơn cả là Hàn Phi; song Hàn Phi lại không phải là người
chân nho nữa, cho nên ta có thể nói rằng Nho giáo truyền đến đầu đời nhà
Tần là đã gián đoạn.
Hàn Phi. Hàn Phi

韓非 là một vị công tử nước Hàn, cùng với Lý Tư 李斯

theo học Tuân Tử. Song Lý Tư vẫn chịu Hàn Phi giỏi hơn mình. Hàn Phi có
tật nói ngọng, không đàm thuyết được, cho nên hay làm sách. Ông thấy
nước Hàn suy nhược, thường hay dâng thư lên Hàn vương để bày tỏ cái đạo
trị nước, nhưng Hàn vương không dùng. Sau nước Tần đánh nước Hàn
nguy cấp lắm, vua nước Hàn sai ông đi sang sứ nước Tần. Vua nước Tần
(tức về sau là vua Thỉ Hoàng), đã xem sách của Hàn Phi, vẫn có lòng kính
phục, muốn dùng ông, nhưng lúc ấy bạn ông là Lý Tư đã làm tướng nước
Tần, sợ ông được trọng dụng thì tranh mất quyền lợi của mình, bèn nói dèm
với vua nước Tần, bắt bỏ ngục. Lý Tư lại sai người đưa thuốc độc cho ông
uống mà tự tử. Hàn Phi tuy không được dùng ở đời, nhưng cái học của ông
sau đem thi hành ra ở nước Tần.
Hàn Phi là môn đệ Tuân Tử, nhưng vì cái học của ông thiên về mặt hình
pháp, không phải là tông chỉ của Nho giáo, vậy nên không thể cho ông vào
hạng học giả, đại biểu Nho giáo được. Tuy nhiên cái học của ông có quan
hệ đến sự trung suy của Nho giáo, nên chi ta lược qua một vài điều để bày
tỏ cái học ấy là thế nào.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.