NHO GIÁO - Trang 445

Lục Tượng Sơn chỉ lấy chữ vũ trụ mà khải ngộ các học giả, chứ không nói
rõ vũ trụ với bản tâm của ta quan hệ với nhau là thế nào, ông chỉ xướng lên
điều đó rồi để cho học giả tự lý hội lấy mà hiểu. Dương Từ Hồ mới diễn rõ
cái nghĩa vũ trụ với lý và tâm tại làm sao mà nói là một. Từ Hồ đem hẳn cái
tư tưởng vào cõi siêu vật, mà cho các hiện tượng ở trong vũ trụ không ra
ngoài được cái tâm của ta. Ngoài cái tâm ra thì không biết được có gì hay
không. Ta cảm xúc với ngoại vật là do các giác quan, nếu các giác quan chỉ
cho ta biết những cái ảo tượng mà thôi, thì ta lấy gì mà quyết chắc những
ngoại vật xác thực là có? Có một điều không thể chối là không được, là ta
có cái tâm, làm cho ta có sự tư tưởng, có sự hiểu biết. Dẫu trời đất và vạn
vật không phải như là ta đã biết, mặc lòng, ta có cái tâm để tư tưởng đến
những điều ấy là cái có thật rồi. Cái tâm của ta đã có, trời đất và vạn vật
phải có, mà trời đất và vạn vật cùng với cái tâm của ta là một ý vậy. Đó là
cái tư tưởng cao siêu của phái tâm học đời Tống, dẫu triết học nào theo con
đường ấy, thì đến đó cũng phải dừng lại vậy.

***

Phái lý học của Tống nho rút lại như ta đã xét ở trên, gồm có hai phần: một
phần là hình nhi thượng học và một phần là hình nhi hạ học. Phần hình nhi
thượng học bàn về mặt thuần túy triết học, xét rõ cái thể và cái dạng của
thiên lý ở trong vũ trụ. Về phần này, Tống nho tuy cũng có hấp thụ cái ảnh
hưởng của Lão học và Phật học, nhưng đại để là thấy rõ cái đạo của thánh
hiền hơn Hán nho, và Đường nho. Phần hình nhi hạ học bàn về mặt đạo đức
thiết thực, thì cái học của Chu Liêm Khê, Trình Minh Đạo và Lục Tượng
Sơn có cái thái độ ung dung ôn hòa gần với cách học của Khổng, Mạnh.
Song các học giả về sau lại theo cái học của Trương Hoành Cừ, Trình Y
Xuyên và Chu Hối Am, cho cái học của những nhà này là phần trung kiên
của Nho giáo. Cái học này thiên về mặt cư kính thượng lễ và cùng lý, thành
ra một cái học rất chi ly, hay câu nệ những tiểu tiết vụn vặt, trái với tông chỉ
khoan dung hoằng đại của Khổng giáo. Cái học ấy đến đời Minh, đời Thanh
hãy còn thịnh, gây ra cái lưu tệ đến bây giờ ta còn trông thấy. Đó là điều sai
lầm rất lớn về cái học thực hành của phái Lạc, phái Mân vậy.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.