NHO GIÁO - Trang 586

sách Tây học, cốt lấy tân học bổ cứu cho cựu học. Nguyên cái học của ông
thuộc về phái Khảo chứng, cho nên ông rất tinh về đường nghiên cứu. Ông
thích Phật học và Lão học, thường lấy Phật học mà giải thích Lão Trang.
Đó là nói tóm tắt cái đại cương sự học của mấy người thủ xướng ra cái tư
tưởng của phái Tân học, để học giả hiểu rõ cái căn nguyên sự biến thiên của
Nho giáo trong thế kỷ thứ hai mươi này. Khởi đầu của bọn Khang, Lương,
rồi sau các thiếu niên phấn chấn lên, đi du học ở các nước bên Âu, bên Mỹ,
thu thái lấy cái phương pháp Tây học, đem cái tư tưởng tân thời mà biến cái
học thuật và đổi chính thể theo phong trào của thế giới.
Hiện thời trong bọn tân học nước Tàu có Hồ Thích là người trứ danh hơn
cả. Ông làm quyển thứ nhất bộ Trung Quốc triết học sử đại cương

中國哲

學史大綱, dùng bạch thoại mà viết văn và theo phương pháp cùng tư tưởng
Tây học mà phê bình cái học cũ. Tuy trong sự phê bình của ông còn nhiều
điều không được xác đáng, nhưng cũng có cái hiệu quả của sự tân học ở bên
Tàu vậy.
Cái tư trào tân học ngày nay tuy mạnh thật, song cái tinh thần Nho giáo đã
có cỗi rễ rất sâu, tất thế nào rồi cũng có cái phản động lực có thể phát minh
được cái tinh thần ấy ra một cách sáng rõ hơn trước. Hãy xem như trong
sách Đông-Tây văn hóa cập kỳ triết học

東西文化及其哲學của Lương

Thấu Minh

梁漱溟, ở chỗ bàn về Khổng học có lắm điều khả thủ, thì đủ rõ

là tương lai Nho giáo tất có cuộc biến thiên, nhưng chỉ biến được cái hình
trạng bề ngoài, chứ cái tinh thần thì không thể biến mất đi được. Sau này
cuộc đời dù có xoay vần ra thế nào nữa, Nho giáo vẫn là một cái học rất cao
minh của Á Đông ta, mà vẫn có ảnh hưởng đến sự nhân sinh của loài người
vậy.
Tóm lại mà xét, Nho học đời nhà Thanh, tuy là thịnh, các học giả làm sách
vở rất nhiều, sự nghiên cứu rất tường và rất đúng với phương pháp khoa
học, nhưng có một điều ta nên biết là Thanh nho chỉ có cái tư cách khoa học
mà không có cái tinh thần triết học. Những danh nho trong khoảng non ba
thế kỷ vừa rồi đều là người bác học, song không có mấy người hiểu biết chỗ
uyên thâm của Nho giáo như đời Tống và đời Minh. Thật rõ cái chứng là
phần hình nhi hạ rộng ra bao nhiêu, thì phần hình nhi thượng kém đi bấy

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.