cũng chẳng nói gì đến Cải chế, mà khi Khang Hữu Vi xướng lên việc lập
Khổng giáo hội, định lập thành quốc giáo, v.v. Khải Siêu không những là
không theo mà lại bác đi”. Ý ông muốn để cái tư tưởng độc lập tự do, chứ
không ỷ thác vào thánh hiền đời trước mà lập thuyết, thành ra ông cùng với
Khang Hữu Vi, thầy trò phản đối nhau. Ông tự nhận rằng: “Khải Siêu có
một điều trái hẳn với Hữu Vi, là Hữu Vi có thành kiến, mà Khải Siêu thì
không có thành kiến, ứng sự cũng thế, học tập cũng thế. Hữu Vi thường nói:
“Ta học đến 30 tuổi đã thành, rồi sau không thấy tiến nữa, mà bất tất phải
cầu tiến nữa”. Khải Siêu không thế, thường tự biết cái học của mình chưa
thành, và cứ lo không thành, trong mấy mươi năm cứ tìm tòi mãi. Cho nên
cái học của Hữu Vi đến nay có thể định luận được, mà cái học của Khải
Siêu thì chưa có thể đinh luận được. Xét rõ cái thực, thì cái học của Lương
Khải Siêu tuy rộng nhưng mà nông, nhiều nhưng mà tạp, không bằng cái
học của Khang Hữu Vi. Căn do là bởi Khải Siêu quá ham Tây học mà lại
không biết đến chỗ sâu xa. Và cái chủ ý của ông là muốn phá cái lưu tệ của
sự học đương thời để tiến cho chóng vào con đường học mới, cho nên ông
nói rằng: “Lấy sự bế tắc ủy mị của cái tư tưởng hai mươi năm về trước, nếu
không dùng cái thủ đoạn lỗ mãng sơ khoát, thì không phá được sơn trạch
mà lập ra tân cục vậy”.
Tính ông rất ham học, mà khi đã thích điều gì thì chìm đắm, để hết cả tinh
lực vào đó, bỏ cả các điều khác; được ít lâu lại đổi sang việc khác và bỏ
điều đã học. Vì có để hết tinh lực vào, cho nên thường có điều sở đắc; vì
hay tùy lúc thay đổi mà bỏ cái cũ, cho nên học gì cũng không vào đến chỗ
sâu. Bởi vậy những điều nghị luận của ông trước sau hay mâu thuẫn với
nhau, sự biết của ông rất phức tạp mà thiển bạc, Ông cũng biết như thế, cho
nên ông có mấy câu thơ để cho con gái là Lĩnh Nhân rằng:
Ngô học bệnh ái bác,
Thị dụng thiển thả vô,
Vưu bệnh tại vô hằng,
Hữu hoạch toàn thất chư,
Bách phàm khả hiệu ngã.
Thử nhị vô ngã như.