THIÊN XX. NHO GIÁO Ở VIỆT NAM
Các thiên ở trên chỉ nói Nho giáo ở nước Tàu, bởi lẽ nước Tàu là nơi phát
tích của Nho giáo, và lại là trung tâm điểm của văn hóa nho học. Các nước
lân cận ở phía đông bắc thì có Cao Ly và Nhật Bản, ở phía đông nam thì có
Việt Nam, đều là nước đồng văn với nước Tàu và cũng theo cái văn hóa của
Nho giáo. Ấy là nói học thuật và tư tưởng của những nước ấy trong khoảng
thời gian kể từ năm mươi năm trở lên, trước khi có cái làn sóng ở phương
tây tràn sang Á Đông, làm lay động cái nền học cũ của ta. Vậy thì nói Nho
giáo ở nước Tàu, tức là nói chung cả cái toàn thể, vì rằng Nho giáo ở nước
Tàu biến thiên ra làm sao, thì các nước kia cũng đều chịu cái ảnh hưởng
như thế cả, chứ không thấy đâu có phát minh ra được cái học thuyết nào
khác nữa.
Trong những nước đã chịu cái văn hóa của Nho giáo, có nước Việt Nam ta
đối với nước Tàu có cái mối liên lạc mật thiết hơn cả, là bởi từ đời vua Hán
Vũ Đế đến đời Ngũ Quý, hơn một nghìn năm, nước ta kể từ Nghệ Tĩnh trở
ra, thuộc vào bản đồ người Tàu. Người mình không những là bị cảm hóa đã
lâu đời, mà lại phần nhiều là dòng dõi người Tàu sang sinh cơ lập nghiệp ở
bên này, rồi dần dần thành ra người bản xứ. Bởi vậy Nho học ở nước ta, vào
quãng cuối đời Đông Hán đã có phần thịnh. Thuở ấy đã có người như Lý
Tiến
李進, Lý Cầm 李琴 và Trương Trọng 張重, đỗ hiếu liêm hoặc mậu tài,
được bổ đi làm quan ở bên Tàu. Qua sang đời Tam Quốc, ở quận Giao Chỉ
có quan thái thú là Sĩ Nhiếp hết lòng mở mang việc học, làm cho nho học
lại thịnh hành hơn trước nữa. Về sau trải qua Lưỡng Tấn, Tống, Tề, Lương,
Trần, Tùy, Đường, người mình đều học tập theo Nho, theo Lão và theo Phật
như bên Tàu.
Đến đời Ngũ Quý, vào quãng thế kỷ thứ X, nước Tàu chia rẽ, thế lực suy
hèn, người mình mới nhân cơ hội ấy mà biệt lập ra thành một nước. Lúc
đầu, nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Tiền Lê còn phải lo việc đánh dẹp cho nên
không lưu tâm đến việc học. Kế đến nhà Lý, cơ sở đã vững bền, dần dần