TỐNG KẾT
Nho giáo như đã xét từ đời Xuân Thu đến hết đời nhà Thanh bên Tàu, kể có
hai nghìn rưỡi năm. Trong khoảng thời gian ấy Nho giáo có lúc thịnh lúc
suy, nhưng bao giờ cũng có cái tinh thần rất mạnh để đối phó với thời cục
mà sinh tồn, mà phát đạt. Nhờ có cái tinh thần ấy cho nên cái học thuật tuy
có biến thiên nhiều lần, nhưng cái đặc tính của Nho giáo vẫn không mất, mà
lúc nào cũng giữ được cái thái độ tôn nghiêm đủ làm cho người ta tín phục.
Xét về sự biến thiên của học thuật, thì từ đời nhà Hán trở đi, ta có thể chia
Nho giáo ra làm hai cái học: một là cái học nghĩa lý, hai là cái học từ
chương.
1. Đối với cái học nghĩa lý, thì sau đời Khổng Tử rồi, Nho giáo có hai phái
lớn là phái Mạnh Tử và phái Tuân Tử, Hai phái ấy đều xưng là theo cái học
của Khổng Tử, song mỗi phái chủ trương một tông chỉ khác nhau. Từ cuối
đời Chiến Quốc đến hết đời Tần sang đời Hán, Nho giáo bị một thời đại
trung suy, rồi từ đời vua Hán Vũ Đế trở đi là càng ngày càng thịnh. Song
cái học thuật trong thời đại từ Hán đến Đường chỉ chú trọng ở sự tìm nghĩa
lý trong các Kinh, Truyện, thành ra một lối học gọi là huấn hỗ học. Kế đến
đời Tống các nho giả bỏ lối học huấn hỗ mà tìm lấy những vi ngôn đại
nghĩa của thánh hiền, lập ra phái lý học, đem cái tư tưởng lên tới cõi siêu
vật và gây thành cái triết học rất cao minh.
Phái lý học của Tống nho có ba học thuyết: một là tượng số học, hai là đạo
học, ba là tâm học. Tượng số học do Thiệu Khang Tiết lập ra, nhưng về sau
không thịnh hành; đạo học và tâm học, thì từ đời Nam Tống đến đời Minh
đều cùng nhau đối lập. Đạo học lấy Trình, Chu làm tiêu biểu, mà tâm học
thì lấy Lục Vương làm tiêu biểu.
Nho giáo đến đời Thanh lại chia ra làm mấy phái, như Hán học phái, Tống
học phái và sau cùng có Tân học phái. Hán học phái lấy sự khảo cứu các
Kinh, Truyện làm tông chỉ, Tống học phái lấy cái học thuyết của Tống nho
làm tông chỉ, Tân học phái lấy việc chính trị theo nghĩa trong sáu Kinh làm