Phần nhiều người trong nước lại có cái tư tưởng rằng những điều thánh hiền
nói ở trong các Kinh, Truyện đã đủ hết cả rồi, không ai biết được hơn nữa,
cho nên kẻ học giả chỉ chăm chăm theo cho đúng những điều ấy mà tiễn lý
thực hành, chứ không ai để ý mà tìm cho đến cái chân lý nó thường lưu
hành biến hóa, không có lúc nào không nhất định. Tựu trung cũng có người
đạt tới chỗ uyên thâm của Nho giáo, song những người ấy lại cho cái học
sâu xa là tự mình phải lý hội lấy, chứ không thể lấy văn từ mà tuyên bố ra
được. Bởi vậy các tiên nho ở nước ta chỉ làm văn thơ để tả cái tính tình của
mình mà thôi, không hay làm sách vở bàn đạo lý để phát minh cái tư tưởng.
Kết quả thành ra cái học của Nho giáo ở nước ta thì rộng khắp cả nước, mà
cái học thuyết thì không thấy có gì là phát minh thêm ra vậy.
Đến nay người mình thấy Tây học rực rỡ mà cái học của ta khi xưa mập mờ
không rõ, sách vở không có mấy, liền cho cái học của ta không có gì. Đó là
một điều các học giả trong nước nên chú ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình
thức bề ngoài làm hại mất cái tinh thần cốt yếu bề trong. Nho giáo tuy
không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái
đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm giá tôn quý. Hãy kể một
phương diện ấy, thiết tưởng cũng đủ làm cho người mình không nên bỏ Nho
giáo vậy.