Cái lối dạy của Khổng Tử là cứ đối chứng lập phương chứ không nhất định
theo một cách thức nào. Những điều ấy tôi đã nói ở chương Mạnh Ý hỏi
hiếu rồi, không cần phải nói lại nữa. Ngài biết Diệp Công ở nước Sở chỉ
dùng sức mạnh mà trị nước, không biết cái gốc việc chính trị là ở sự được
lòng người, cho nên khi Diệp Công hỏi việc chính, Ngài trả lời rằng: “Kẻ ở
gần thì mến, kẻ ở xa thì đến”, nghĩa là việc chính cốt là ở được lòng người,
chứ không nên làm mất lòng người. Ngài nói thế mà Diệp Công nín lặng, là
vì biết Ngài chê cái chính sách của mình rồi, cho nên không hỏi lại nữa.
Còn cái phương thế làm thế nào, là hiểu ngay phải theo nhân chính mà thu
phục lòng người. Nếu Diệp Công không hiểu mà không hỏi lại thì Ngài
cùng thôi không bảo nữa. Lối ấy chính hợp lốl “cử nhất ngung” của Ngài.
Vì câu trả lời ấy khó hiểu cho người đời sau, cho nên trong sách người ta
chú thích là: “Kẻ ở gần chịu cái ơn mà mến, kẻ ở xa nghe tiếng mà đến”.
Những ý ấy ở ngoài lời nói, phải lấy ý mà hiểu mới được. Nếu cứ theo như
Phan tiên sinh là khi nói cái quả, phải nói là cái nhân, thì ngay trong Tây
học, những sách như Les Pensées của Pascal, hay là Le jardin d’Epicure của
Anatole France có nhiều chỗ lại khó hơn những lời của Khổng Tử, tất là
phải bỏ đi hết.
Sự giáo hối có mấy lối: có lối giảng diễn đủ mọi lẽ, học giả nghe là hiểu
ngay; có lối chỉ gợi ra cái cốt yếu, để cho người ta phải nghĩ mà hiểu lấy.
Mỗi người theo một lối, ai thích lối nào theo lối ấy, miễn là lối nào cũng cần
có cái chủ ý ám hợp với đạo lý thôi. Dẫu có muốn theo khoa học nữa, thì
khoa học nào cũng chỉ cần có cái phương pháp, chứ không phải bao giờ
cũng chỉ theo một phương pháp. Nay Phan tiên sinh chỉ dùng một phương
pháp muốn điều gì đã nói cái lẽ đương nhiên là phải nói cái lẽ sở dĩ nhiên,
và bắt bao nhiêu học thuyết cũng như thế cả thì thật là tiên sinh có một cách
hiểu sự học vấn rất lạ, xưa nay chưa ai nghĩ đến! Cứ như ý tôi thì câu
Khổng Tử trả lời cho Diệp Công, tuy hơi khó một chút, nhưng có ý nghĩa ta
nên biết lắm.
d) Đó là nói cái nghĩa rộng của khoa học, còn đối với cái nghĩa hẹp của
khoa học, thì Phan tiên sinh nói rằng: “Còn mình chưa có khoa học mà lại
cần có thì thế nào cũng phải đeo đuổi theo mới đặng. Mình ưng đi xe hỏa