cho mau, thắp đèn điện cho sáng, v.v.” Nào tôi có bảo không nên theo khoa
học ở đâu, mà tiên sinh phàn nàn như thế. Tôi đã nói ở số 60: “Nay ta ở vào
thời đại có khoa học và cần có khoa học thì ta theo khoa học, nhưng theo
khoa học mà không bỏ mất cái tâm học, thì tâm với trí có thể điều hòa được
với nhau”. Nói như thế có điều gì mà bảo không nên theo khoa học? Tôi
muốn tỏ cái ý rằng khoa học tuy có nhiều điều hay nhưng khi ta khuynh
hướng về nó thái quá, thì cũng có điều không hay. Muốn cho rõ cái ý ấy, tôi
mới đem cái ý chán nản về khoa học của mấy người thức giả bên Tây, để ta
hiểu rằng những người ấy mà chán nản, tất là khoa học cũng có điều bất
tiện.
Nếu nói rằng những người ấy là số ít, còn số nhiều người thì ai cũng cho
khoa học là hoàn toàn hay cả. Việc đó đã cố nhiên rồi. Thường những tư
tưởng cao xa là ở bọn người số ít, chứ bọn người số nhiều là chỉ biết được
cái thiển cận trước mặt mà thôi. Vậy nên về đường tư tưởng và trí thức ta
không nên tin ở số nhiều người. Tôi vẫn biết ai cũng thích “phóng ô tô,
đứng trong một chỗ diễn đàn rực rỡ, dưới chân lót mã nhục, trên đèn điện,
v.v.” nhưng tựu trung lại không có người cho những cái đó không phải là
cái sinh thú của người đời hay sao? Như Phan tiên sinh thì cho người ấy là
người quái lạ, biết đâu người ấy lại không cho mình là lũ cuồng dại. Xét
cho cùng kỳ lý, thì đã chắc là ai phải; người ấy hay là bọn ta đây? Nhưng
mà thôi nếu bàn như thế, thì viết cả quyển sách cũng không xong, mà không
khéo tiên sinh lại cho là nói rông dài vô ích.
Nói rút lại, tôi không phản đối khoa học, song tôi chỉ muốn khoa học của
Tây đi đối với tâm học của ta. Được như thế thì tôi tưởng hay hơn cả.
Tôi vừa mới viết chữ biết đâu chắc là Phan tiên sinh đã lắc đầu rồi. Đó
chẳng qua là tôi theo cái cách tư tưởng của tôi trong khi nghị luận. Hễ điều
gì tôi biết chắc chắn, thì tôi nói quả quyết, điều gì tôi biết chưa được rõ lắm,
hay là không chắc, thì tôi dùng chữ biết đâu để tỏ cái thái độ hoài nghi của
tôi. Có lẽ tôi với Phan tiên sinh khác nhau ở chỗ đó. Tiên sinh nói điều gì là
nói quả quyết, mà tôi thì tùy có điều quả quyết, có điều không quả quyết
được cho nên phải hồ nghi. Hai ta tuy không đồng, nhưng vẫn hòa được;
cũng như tiên sinh thì thích đến nhà cô Logique mà tôi lại ưa nói chuyện ở