đúng khoa học là tôi không chịu, vì những nghĩa của tiên sinh hiểu đều sai
cả.
b) Phan tiên sinh nói trong số 54 rằng: “Khổng giáo trái với Tây học, vì cái
chủ nghĩa tôn quân trái với cái chủ nghĩa duy tân”. Trong số 60, tôi chỉ nói
cái quân quyền mà không nói đến cái chủ nghĩa duy tân? Nay nhân tiện xin
nói thêm mây lời cho hết ý. Khổng giáo có cái chủ nghĩa quân quyền thật,
song chữ quân có cái nghĩa rộng như tôi đã bàn, thì cái chủ nghĩa ấy không
phải là chủ nghĩa chuyên chế. Cái thủ đoạn chuyên chế là cái thủ đoạn của
bọn đế vương lạm dụng cái quân quyền đó mà thôi.
Khổng giáo đã không có cái chủ nghĩa chuyên chế thì tất là có cái chủ nghĩa
duy tân. Song cái chủ nghĩa duy tân của Khổng giáo không giống cái chủ
nghĩa duy tân thời nay. Cái chủ nghĩa duy tân thời nay cốt ở sự bình đẳng,
chính nghĩa là bình đẳng trong luật pháp, nhưng nhiều người hiểu là bình
đẳng hoàn toàn cả và cho bọn hạ dân cũng có quyền cai quản, cùng tham dự
chính trị. Cái chủ nghĩa duy tân của Khổng giáo thì chủ ở trật tự, lấy đức,
lấy tài mà phân trên dưới, và nhận có cái bình đẳng ở trong luật pháp, mà
không nhận có cái bình đẳng hoàn toàn khắp cả. Cái bình đẳng hoàn toàn ấy
thì ở trong vũ trụ thật quả không có, cho nên Khổng giáo không nhận là có.
Còn cái bình đẳng ở trong luật pháp thì xem như lời giả thuyết trong sách
Mạnh Tử mà Phan tiên sinh vừa bác trên kia, vua Thuấn làm thiên tử mà
cha là Cổ Tẩu có tội, quan tư pháp là Cao Dao cứ bắt trị tội. Phép công chỉ
biết có cái lý, chứ không biết có cái thế, như vậy là bình đẳng trong luật
pháp,
Khổng giáo vẫn lấy dân làm trọng, cho thiên hạ là của chung của thiên hạ.
Theo lý công nhiên thì vua Nghiêu làm thiên tử không có thể đem thiên hạ
cho vua Thuấn được, chỉ có thiên hạ theo ai thì người ấy được. Ấy là hợp
với cái tông chỉ duy dân lắm. Song vì trong thiên hạ số người dở và người
ngu nhiều hơn số người hiền và người giỏi, cho nên phải theo hiền, ngu,
giỏi, dở mà đặt ra trật tự trên, dưới, để người có đức, có tài cầm quyền
chính trị mà giữ gìn muôn dân. Bất kỳ người dòng dõi vua quan, hay con
nhà thứ dân, hễ ai có đức có tài là được ra cầm quyền chính trị. Người cầm
quyền chính trị phải nuôi dân, phải làm cho dân giàu, phải dạy dân. Dân là