" Thịt chuột thời không có cường dương mà ngặt một nỗi là bà xã của tôi
bả ướp ngũ vị hương trộn với con bửa củi.
An lên tiếng trong lúc đốt thuốc.
"Chuẩn úy Đạm trẻ tuổi mà cường dương thời cũng không có sao... Dô đi
Tư Bánh Bèo... Anh khát nước. "
Ực một hơi cạn chung đế, rót đầy chung khác Tư ấn chung rượu vào tay
Đạm. Không chần chờ anh ực cạn chung đế mà không thấy Xinh nháy mắt
cười với An. Ông xếp đồn Cái Đôi cười im lặng. Vị sĩ quan có ba tuổi lính
đã nhìn thấy ở Đạm một tính chất rất cần thiết để trở thành cấp chỉ huy và
nhất là thay thế mình chỉ huy đại đội địa phương quân Cái Đôi. Đó là sự
hòa mình với lính, nhất là thứ lính địa phương này. Mặc kệ anh từ đâu tới.
Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Pleiku hay Cần Thơ. Mặc kệ anh có trình độ đại
học hoặc đậu hai ba bằng cử nhân, tiến sĩ. Mặc kệ anh xuất thân từ Đà Lạt,
Thủ Đức hay Đồng Đế. Nếu anh không thể ngồi chung một cái chiếu với
lính, hút Bastos xanh đỏ, uống rượu đế, ăn thịt rùa rắn, chuột, nghe vọng
cổ, nói chuyện tiếu lâm; có nghĩa là anh không thể hòa đồng với người lính
của địa phương. Không hòa hợp là anh không hiểu, không thông cảm và trở
thành lạc lõng với những người xung quanh. Từ đó lính không thân thiện
với anh, không thương anh và có thể không tuân lệnh của anh hay chỉ nghe
lời anh một cách miễn cưỡng. Mặt trận ở đây không có những cuộc hành
quân rầm rộ, xe tăng, tàu chiến hay máy bay. Đây là thứ trận chiến thầm
lặng bao gồm tâm lý chiến, tình báo chiến và phản du kích chiến. Mỗi
người lính ở đây là một điệp viên không có lãnh lương nhưng thi hành
nhiệm vụ của mình một cách tận tụy và hăng say. Họ thu lượm tin tức từ
người thân trong gia đình, bà con, chòm xóm, láng giềng. Cũng nhờ thứ
tình báo nhân dân này mà nhiều khi Việt Cộng chưa đánh đồn, họ đã biết
trước địch sẽ đánh ở đâu, ngày nào, ban đêm hay ban ngày.
" Dô đi ông thầy. "