đạo công giáo lập thành một xã hội riêng biệt, mặc dầu chúng không công
khai đứng lên chống chính quyền nhưng trong thâm tâm chúng tha thiết với
người ngoại quốc."
Bình luận về các chỉ dụ cấm đạo này, sử gia Trần Trọng Kim viết như sau
:
"Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh Tổ ghét đạo mà thôi, phần
nhiều những quan lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo lại càng
nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào mặc lòng, trong nước vẫn có
người đi giảng đạo, nhà vua lấy điều đó làm trái phép, lại có dụ ra lần nữa
truyền cho dân bên giáo phải bỏ đạo, và ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì
được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo sĩ phải xử giảo, và ở các
nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo.
"Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc, chỗ nào cũng có giặc giã nổi lên, nhà
vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càng cấm nghiệt: từ năm
Giáp Ngọ (1834) cho đến năm Mậu Tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và đạo đồ
bị giết, nhất là từ khi bắt được cố Du (P. Marchand) ở Gia Định rồi, sự giết
đạo lại dữ hơn trước nữa.
"Nhà vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn điều ra để
khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy quyền để giết
hại bao nhiêu, thì dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của
người ta không sao ngăn cấm được. Vả lại đạo Thiên chúa cũng là một đạo
tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân ái, việc gì mà làm khổ dân sự như
thế?"
"Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta mà chỉ có việc
buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến,
vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn cấm; nhưng bởi vì khi đã quan
hệ với việc sùng tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho
sự sùng tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi
cứ phải dùng thế lực mà đè nén nhau. Cũng vì thế cho nên nước ta không
chịu suy xét lẽ phải trái cho kỹ càng, làm lắm sự tàn ác để đến nỗi mất cả
sự hòa hiếu với các nước Tây dương và gây nên cái mối biến loạn cho
nước nhà vậy."(32)